Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 21/8/2016 8:58'(GMT+7)

Ưu đãi phải công bằng

Ảnh minh họa (Nguồn: baodautu.vn)

Ảnh minh họa (Nguồn: baodautu.vn)

Nguy cơ rời khỏi thị trường

Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc, Ấn Độ) và đứng thứ 4 thế giới. Mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi vào hơn 50 thị trường, trong đó Liên minh châu Âu (EU) chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sản phẩm túi xách cũng được xuất khẩu sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,6%. Theo thống kê của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), da giày là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, hiện chiếm 8% - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước.

Tuy nhiên trong cơ cấu xuất khẩu, gần 80% kim ngạch thuộc về doanh nghiệp FDI mặc dù chỉ chiếm 25% tổng số doanh nghiệp ngành da giày, và tiếp tục vai trò dẫn dắt thị trường, trong khi doanh nghiệp nội đang ngày một đuối sức. Xét trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 78,6%, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 21,4%. Thế nhưng, cơ cấu trên đã thay đổi đáng kể sau 6 tháng đầu năm 2016, theo đó, doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 81,3%, doanh nghiệp trong nước chỉ còn 18,7%.

Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lafaso) dự báo, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ tiếp tục nghiêng về phía doanh nghiệp FDI một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, gần đây, nhiều doanh nghiệp da giày đến từ Trung Quốc đầu tư, xây dựng nhà máy để tận dụng lợi thế về địa lý, nguồn nhân công và các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Nếu doanh nghiệp trong nước không vươn lên có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi thị trường và thua ngay trên sân nhà.

Khó tứ bề

Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp da giày trong nước phải chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp da giày nội địa lo ngại việc các địa phương cũng như các khu công nghiệp dành nhiều ưu đãi hơn cho doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, việc cấp phép hay giảm trừ chi phí cho doanh nghiệp FDI cũng “rộng cửa” hơn so với doanh nghiệp trong nước. Đầu tư sản xuất nguyên liệu cho ngành da giày đã được xem là trọng tâm sống còn nhưng doanh nghiệp trong nước rất khó để được các tỉnh, thành cấp phép xây dựng nhà máy với lý do ngành nhạy cảm với môi trường. Ngược lại, doanh nghiệp FDI lại được phép sản xuất nguyên phụ liệu, cung ứng cho ngành da giày và túi xách. Doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh mẽ để đầu tư những nhà máy lớn, lại đầu từ khâu cung cấp nguyên phụ liệu đến sản xuất để tận dụng lợi thế từ các FTA. Như vậy, doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh nổi.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh nhận định, phần lớn doanh nghiệp da giày Việt Nam đang sản xuất theo phương thức gia công nhỏ lẻ, trang thiết bị yếu kém, chưa chú trọng vào đầu tư để phát triển, dẫn đến sự thiệt thòi. Vì vậy, sức ép mà họ phải chịu từ phía doanh nghiệp FDI càng lớn. Doanh nghiệp FDI không những có tiềm lực tài chính, kinh doanh mà còn được chào đón đầu tư với sự hỗ trợ cùng mức phí thuê mặt bằng rẻ hơn, diện tích rộng hơn, thời gian cho thuê lâu hơn.

Theo ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH thuộc da Đặng Tứ Kỳ, do nhận được nhiều ưu đãi và thấy được cơ hội từ thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đầu tư ngày càng nhiều và lớn mạnh vượt trội. Trong tay họ nắm những đơn hàng lớn có thương hiệu nổi tiếng thế giới. Còn đối với doanh nghiệp như của ông chỉ có thể làm đơn hàng nhỏ hoặc sản xuất cầm chừng và không đủ điều kiện mở rộng sản xuất hay phát triển thị trường. “Nếu đem chất lượng ra so sánh thì sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước cũng có mức tương đương. Do vậy, ví thử nếu được trang thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất thì doanh nghiệp trong nước cũng không thua kém FDI”, ông Cường khẳng định.

Nhiều chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp da giày trong nước có thể có đủ tiềm lực để nhận những đơn hàng lớn, nhưng với năng lực hiện tại họ rất cần thêm những ưu đãi về vốn, mặt bằng để đủ sức cạnh tranh. Do đó, những ưu đãi cần đến đúng và hiệu quả tới những doanh nghiệp đang cần để phát triển, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mới có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Phương Hoa (daibieunhandan.vn)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất