Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 3/12/2008 19:54'(GMT+7)

Ưu tiên các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, so với chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010, tổng thu ngân sách Nhà nước trong 3 năm từ 2006-2008 ước đạt 67,5%, chi ngân sách nhà nước ước đạt 64%. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước đang thay đổi tích cực theo hướng tập trung đầu tư cho con người, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tăng cường đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, giai đoạn 2006 – 2008, mặc dù năng lực tài chính ngân sách Nhà nước đã được cải thiện nhưng qui mô còn nhỏ, đầu tư cho các vấn đề an sinh xã hội còn ở mức thấp, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Bên cạnh đó, tình trạng dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chưa được khắc phục, công tác kiểm tra thực hiện chế độ thu nộp ngân sách, chống thất thu, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại mặc dù đã có chuyển biến nhưng kết quả vẫn chưa cao.

Bộ Tài chính đã đề ra một số nhóm giải pháp lớn đối với công tác tài chính trong năm 2009, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện chính sách tài chính linh hoạt nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong năm 2009, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bố trí kinh phí thỏa đáng để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội, tăng cường chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Tài chính triển khai những chính sách tài chính đề ra ngay từ đầu năm 2009. Phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan của những khó khăn về KT-XH hiện nay, Thủ tướng cho rằng, đến thời điểm này nhìn lại có thể nói rằng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng khá, cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện hết sức khó khăn, việc vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế từ 6,5-6,7% là nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Trong 5 nhóm giải pháp đề ra nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh nhóm giải pháp thứ ba thực hiện chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và nhân dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cần rà soát các chính sách về thuế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần khuyến khích hình thức hội nghị, giao ban trực tuyến để tiết kiệm chi phí hội họp, kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm tài sản công, mạnh dạn cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt phiền hà, tốn phí thời gian cho người dân và doanh nghiệp./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất