Thứ Sáu, 27/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 28/4/2014 16:42'(GMT+7)

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII, trong hai ngày 28 và 29/4, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến về một số luật.

Các dự án được thẩm tra và cho ý kiến gồm Dự án Luật Hộ tịch, Dự án Luật Tổ chức Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân tiếp công dân; tiếp nhận xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Quốc hội.

Ý kiến chung nhận thấy hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một con người từ khi sinh ra đến khi chết, có liên quan đến quyền dân sự của công dân. Do đó, làm tốt công tác hộ tịch là tiền đề quan trọng để các cơ quan nhà nước thực hiện công tác quản lý dân cư và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng, tích cực trong việc soạn thảo dự án Luật, tổ chức tổng kết thực tiễn, đánh giá hệ thống pháp luật về hộ tích, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng dự án Luật. 

Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục, đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành về hộ tích, đã được thực tế kiểm nghiệm phù hợp, áp dụng ổn định để đưa vào luật; đồng thời dự án Luật có nội dung mới mang tính đột phá trong quản lý hộ tịch, như việc sử dụng Số định danh công dân và cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch...

Có thể khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hộ tịch nhằm bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền được khai sinh, là vấn đề luôn được Nhà nước quan tâm qua các thời kỳ.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiến pháp mới vừa được Quốc hội thông qua một lần nữa khẳng định "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật," việc hoàn thiện pháp luật về đăng ký hộ tịch; trong đó có đăng ký khai sinh càng phải được quan tâm đặc biệt, bởi thực tiễn ở các nước trên thế giới và Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy ý nghĩa và vai trò của việc đăng ký và quản lý hộ tịch đối với người dân và Nhà nước.

Việc đăng ký hộ tịch, đặc biệt là đăng ký khai sinh tạo cơ sở pháp lý để người dân hưởng các quyền con người, quyền công dân, đồng thời là cơ sở để Nhà nước bảo hộ tốt hơn các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc cần nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các nội dung trong Nghị quyết số 35 để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, xem đây như là một hình thức đánh giá cán bộ định kỳ nhằm củng cố và kiện toàn bộ máy nhà nước, góp phần tham mưu với Đảng, với Nhà nước trong công tác cán bộ.

Đây cũng là yêu cầu được Bộ Chính trị đặt ra trong thông báo ý kiến số 149-TB/TW ngày 20/12/2013 về việc đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định số 165-QĐ/TW về lấy phiếu tín nhiệm./.


Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất