Ngày 25/4, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã diễn ra tại Hà Nội.
Đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã báo cáo
về tình hình chuẩn bị hồ sơ Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa
giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo
dục và Đào tạo đang tích cực hoàn thiện Hồ sơ về đổi mới chương trình,
sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc hoàn thiện và thẩm
định hồ sơ trước khi gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có thêm thời
gian.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rút nội dung thảo luận về Báo
cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa
giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của phiên họp này.
Thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề còn nhiều bất cập
Tại phiên họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi
đồng của Quốc hội đã nghe Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách
pháp luật về dạy nghề; thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Dạy nghề.
Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Dạy nghề, hệ
thống văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề được ban hành tương đối đầy
đủ với phạm vi điều chỉnh bao quát hầu hết các vấn đề chủ yếu của hoạt
động dạy nghề. Tuy nhiên, chất lượng một số văn bản còn hạn chế. Việc rà
soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được thực
hiện thường xuyên đã góp phần thúc đẩy hoạt động dạy nghề, tạo điều kiện
thuận lợi giúp người học có nhiều cơ hội học nghề và tạo việc làm.
Song, việc điều chỉnh liên tục các quy phạm pháp luật cũng tạo ra sự
thiếu ổn định, hạn chế hiệu quả thi hành Luật. Công tác tuyên truyền,
phổ biến Luật Dạy nghề và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành được quan
tâm, nhưng chưa được tiến hành một cách thường xuyên, hiệu quả.
Về triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề, qua giám sát
cho thấy mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh, đa dạng về loại
hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động, song phân bố chưa hợp lý,
cơ cấu nghề đào tạo còn bất cập, loại hình sở hữu của một số cơ sở dạy
nghề chưa rõ ràng. Điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề từng bước được
cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng dạy nghề còn chưa đáp ứng được yêu cầu
ngày càng cao của thị trường lao động. Chế độ, chính sách đối với người
học nghề đã được cải thiện, song còn tồn tại nhiều bất cập...
Tạo cơ sở pháp lý đổi mới căn bản, toàn diện lĩnh vực dạy nghề
Theo dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Luật Dạy nghề được ban hành từ năm
2006 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển mạnh
mẽ của hoạt động dạy nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
cơ cấu lao động. Mặc dù vậy, hoạt động dạy nghề thời gian qua cũng bộc
lộ nhiều hạn chế. Một số quy định của Luật Dạy nghề hiện hành đến nay đã
bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Các thành viên Ủy ban cho rằng việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Dạy nghề là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn
bản, toàn diện lĩnh vực dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI).
Tán thành với những đề xuất, sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ
về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các thành
viên Ủy ban cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã bước đầu cụ thể hóa một
số yêu cầu đổi mới dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa
XI), khắc phục được một số bất cập của Luật hiện hành cũng như đã rà
soát, chỉnh sửa các quy định cho phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp
luật hiện hành.
Về chính sách của Nhà nước với phát triển dạy nghề, các thành viên Ủy
ban cho rằng, nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển hệ
thống nghề là nhằm đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh
tế-xã hội của đất nước và để nâng cao chất lượng dạy nghề như quy định
tại Luật hiện hành. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thể
hiện lại nội dung này; đồng thời cụ thể hóa chính sách đầu tư cho một số
cơ sở dạy nghề trọng điểm chất lượng cao, làm nòng cốt cho phát triển
nhanh, bền vững của hệ thống dạy nghề.
Dự thảo Luật quy định các cơ sở dạy nghề thuộc 3 loại hình là công lập,
tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, có nhiều cơ sở
dạy nghề thuộc các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.
Ủy ban đề nghị dự thảo Luật cần quy định tiêu chí để xác định loại hình
và hình thức sở hữu của các cơ sở dạy nghề này và giải quyết mối quan hệ
giữa mục tiêu phục vụ cộng đồng với mục tiêu lợi nhuận tối đa trong sản
xuất, kinh doanh. Ủy ban cũng đề nghị bổ sung thêm 1 chương trong Luật,
quy định về cơ sở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ việc quyết
định thành lập, cho phép hoạt động đến tổ chức, quản lý đào tạo và công
nhận văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp.
Đề cập đến quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề, các
thành viên Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật đã bước đầu chú trọng tới
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề thông qua việc bổ
sung 1 điều quy định về các hoạt động được tự chủ của cơ sở dạy nghề.
Tuy nhiên, nhiều quy phạm pháp luật cụ thể tại một số điều, khoản trong
dự thảo Luật chưa thể hiện rõ tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của
cơ sở dạy nghề.
Dự thảo Luật cũng chưa làm rõ nguyên tắc và các điều kiện để cơ sở dạy
nghề thực hiện quyền tự chủ và việc xử lý các cơ sở dạy nghề lợi dụng
quyền tự chủ để thực hiện hành vi vi phạm. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo
nghiên cứu, bổ sung, chi tiết hóa bằng các quy phạm pháp luật cụ thể,
nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở dạy nghề...
Cũng tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đã thảo luận, cho ý kiến về dự
thảo Báo cáo công tác của Ủy ban từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7
Quốc hội khóa XIII và dự kiến chương trình hoạt động đến hết năm 2014./.
(TTXVN)