Để được ban hành thành luật, NDAA năm 2021, trị giá 740 tỷ USD, phải phù hợp với phiên bản dự luật do Hạ viện đề xuất trước khi được Quốc hội thông qua và được gửi tới Tổng thống Donald Trump ký.
Ngày 11/6, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã công bố một phiên bản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hằng năm (NDAA) trị giá 740 tỷ USD quy định các khoản chi của Bộ Quốc phòng, bao gồm trả lương cho binh sỹ, mua sắm thiết bị.
Dự luật NDAA năm 2021 có điều khoản về “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” với khoản ngân sách 7 tỷ USD dành cho cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dự luật cũng bao gồm các biện pháp tăng cường chuỗi cung ứng của Mỹ, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra cho thấy sự phụ thuộc của các công ty vào Trung Quốc.
Dự luật cũng cho phép chi 44 triệu USD cho nghiên cứu vắcxin và công nghệ sinh học nhằm đối phó với đại dịch; chi 9,1 tỷ USD cho Tập đoàn Lockheed Martin để sản xuất 95 máy bay F-35, và ủy quyền cho Không quân Mỹ sửa 6 máy bay F-35 ban đầu dự định bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Để được ban hành thành luật, NDAA năm 2021 phải phù hợp với phiên bản dự luật do Hạ viện đề xuất trước khi được Quốc hội thông qua và được gửi tới Tổng thống Donald Trump ký.
Cùng ngày, thượng nghị sỹ Chris Van Hollen của đảng Dân chủ và thượng nghị sỹ Ben Sasse của đảng Cộng hòa đã đệ trình một dự luật đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump trừng phạt Trung Quốc một cách có hệ thống hơn đối với các hành vi đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Dự luật này yêu cầu Tổng thống Trump gửi tới Quốc hội báo cáo cập nhật theo định kỳ 6 tháng về các công ty và cá nhân nước ngoài đánh cắp những bí mật thương mại quan trọng của Mỹ và áp đặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả trừng phạt kinh tế.
Thượng nghị sỹ Van Hollen nhấn mạnh dự luật là một “cách tiếp cận trực tiếp” nhằm chống lại việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp trái phép để nhanh chóng sở hữu những tiến bộ công nghệ.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Washington đã phóng đại vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ vì các lý do chính trị, đồng thời khẳng định những cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề này là vô căn cứ.
Liên quan đến lĩnh vực quốc phòng của Mỹ, ngày 11/6, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi khoản viện trợ này bị đóng băng liên quan cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lầu Năm Góc cho biết khoản viện trợ 250 triệu USD sẽ được cấp cho Ukraine để nước này tăng cường năng lực phòng thủ, giám sát trên không và trên biển, thông tin liên lạc và không gian mạng.
Theo thông báo, khoản viện trợ này sẽ bổ sung vào hỗ trợ an ninh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với Ukraine và được phê chuẩn sau khi Mỹ xác nhận Chính phủ Ukraine đã thực hiện cải tổ cần thiết trong quân đội./.
Theo TTXVN