Tiếp tục phiên họp thứ 17, sáng 11/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Việc làm. Dự án Luật sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật Việc làm.
Các đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã có sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, chỉnh lý nhiều điều, khoản của dự án luật (từ 9 Chương, 72 Điều xuống còn 7 Chương, 61 Điều)... Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Việc làm với các luật khác.
Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc quy định các nhóm chính sách về: tín dụng vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chương trình việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Để nâng cao tính khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ hơn tác động kinh tế-xã hội của các chính sách này; Trên cơ sở đó,tiếp tục làm rõ điều kiện, nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung quy định về thông tin thị trường lao động gồm: thu thập, cung cấp, phân tích và phổ biến thông tin thị trường lao động; bảo đảm an toàn bảo mật, lưu trữ thông tin thị trường lao động và trách nhiệm quản lý nhà nước về thông tin thị trường lao động. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật cần làm rõ thẩm quyền, phạm vi thu thập, quản lý, công bố các thông tin thị trường lao động giữa ngành lao động-thương binh và xã hội với cơ quan thống kê theo quy định của Luật Thống kê, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong quản lý nhà nước về thông tin thị trường lao động.
Theo dự án Luật, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ quy định. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai thực hiện được hơn 3 năm, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Các đại biểu cũng cho rằng nên quy định về bảo hiểm thất nghiệp ngay trong dự án Luật Việc làm, sau đó sẽ thay đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng này để bảo đảm sự thống nhất giữa các luật.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự tham gia của Nhà nước trong việc tổ chức dịch vụ việc làm cho người lao động, với mục tiêu tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và kết nối cung - cầu lao động, hướng đến đối tượng ưu tiên là nhóm lao động yếu thế trong xã hội, đồng thời có sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức… trong việc cung cấp các dịch vụ việc làm.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định điều kiện cụ thể để cấp phép đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm và nghiên cứu để cho phép doanh nghiệp này tham gia thực hiện một số chính sách bảo hiểm thất nghiệp như dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, cũng như tham gia thực hiện một số chương trình, dự án về việc làm để vừa quản lý chặt chẽ, vừa khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá sâu về tình hình lao động, việc làm hiện nay; làm rõ sự gắn kết giữa việc đào tạo nghề, tạo việc làm với các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục rà soát, cụ thể hóa những điều, khoản mang tính Nghị quyết trong dự án Luật; đánh giá tính khả thi của dự án Luật để sau khi ra đời Luật việc làm thật sự đi vào cuộc sống./.
Theo TTXVN