Hiệu ứng U23 Việt Nam kéo khán giả đến sân nhiều hơn
Sân
Hàng Đẫy vốn quá quen với hiện tượng “đìu hiu” ở mùa giải trước thì nay
bất ngờ đón tới hơn 10.000 khán giả đến xem trận Siêu cúp, trận đấu mở
màn cho V-League 2018 diễn ra giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA) và Quảng Nam. Pháo sáng, pháo
hoa và những dàn quân nhạc đã trở lại trong một không khí sôi động hiếm
thấy tại sân Hàng Đẫy.
Lượng
khán giả tăng đột biến (gấp 3 lần so với mức trung bình của sân Hàng
Đẫy mùa giải trước) một phần là do hiệu ứng từ U23 Việt Nam. Rải rác tại
các Câu lạc bộ (CLB) thi đấu tại V-League mùa này đều có những “người hùng Thường
Châu”. Điển hình như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng của Hà Nội FC, Công
Phượng, Xuân Trường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Văn Đức, Xuân Mạnh của SLNA, thủ môn Bùi
Tiến Dũng (FLC Thanh Hóa) hay Đức Chinh, Tiến Dụng (SHB Đà Nẵng)…
Huấn luyện viên
Nguyễn Đức Thắng (SLNA) cho biết: “Tôi nhận thấy khán giả đến sân đông
hơn nhờ hiệu ứng từ U23 Việt Nam, phần nào đó đã thu hút trở lại sự hâm
mộ của CĐV đối với bóng đá Việt Nam. Đây là điều đáng mừng và bản thân
các CLB cũng được hưởng lợi từ điều này”.
Còn
anh Phan Đình Long, Chủ tịch hội Cổ động viên Việt Nam tại miền Bắc thì khẳng
định: “Tôi nghĩ chắc chắn thành tích của U23 Việt Nam vừa rồi sẽ mang
khán giả đến sân xem V-League đông hơn. Nhìn trận Siêu cúp trên sân Hàng
Đẫy vừa qua, chúng ta có thể thấy rõ ràng điều đó. Mỗi khi bóng đến
chân các cầu thủ U23 Việt Nam, khán giả lại hô hào rất nhiệt tình. Hiệu
ứng U23 Việt Nam khiến cho các khán đài trở nên nhộn nhịp, sôi động
hơn”.
Đến những lời hứa từ Ban lãnh đạo mới của VPF
V-League
2018 được xác định là một mùa giải “bản lề” với rất nhiều điều sẽ thay
đổi. Sự thay đổi đến từ thượng tầng, một bộ máy lãnh đạo mới giàu nhiệt
huyết lên tiếp quản VPF. Với các vị trí chủ chốt được thay mới như: Tân
chủ tịch VPF Trần Anh Tú, Phó chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng. Đây đều là
những người được xem là “dám nói dám làm” của làng bóng đá Việt Nam.
Về
cơ cấu, do sân chơi Hạng Nhất tăng từ 7 lên 10 đội nên VPF cho biết sẽ
có 1,5 suất xuống hạng tại V-League 2018 và ở chiều ngược lại là 1,5
suất tăng hạng từ Hạng Nhất lên. Công tác trọng tài cũng có nhiều thay
đổi khi “Tiểu ban trọng tài” xuất hiện và trực thuộc VPF. Ban tổ chức là
VPF sẽ ký hợp đồng với các trọng tài được Ban trọng tài VFF giới thiệu
hoặc trọng tài nước ngoài. Nếu trọng tài đó mắc sai sót nghiêm trọng,
VPF có quyền không tiếp tục thuê nữa.
Nếu
thực sự làm được điều này thì sẽ phá thế “độc quyền” của Ban trọng tài
VFF trong công tác điều hành các trận đấu. Qua đó mang lại cho các CLB,
người hâm mộ nhiều niềm tin hơn vào sự minh bạch của V-League.
Phó
chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng khẳng định: “Trong những năm qua, tôi đã
phản biện rất nhiều để xây dựng V-League, VPF. Giờ đây vào HĐQT của VPF
thì tôi sẽ phản biện mạnh hơn. Chúng tôi hi vọng xây dựng VPF gần gũi
với CLB, như người một nhà. Các CLB còn thiếu, còn yếu cái gì VPF sẽ
giúp đỡ để cùng phát triển đi lên chuyên nghiệp. Chứ nếu chỉ đơn thuần
ra mệnh lệnh hành chính thì không ổn.
Nhiệm
kỳ mới, chúng tôi chắc chắn sẽ xây dựng V-League hấp dẫn hơn, minh bạch
hơn. Để thay đổi hình ảnh V-League thì cần có thời gian, không thể hi
vọng một sớm một chiều mà thay đổi toàn diện được. Tôi nói vui như trong
Tây du ký, Đường Tăng đi lấy kinh có nhiều đồ đệ thần thông quảng đại
mà còn bị tiểu yêu bắt”.
Hy
vọng với tín hiệu tích cực và quyết tâm của những người đứng đầu,
V-League 2018 sắp khởi tranh sẽ trở thành một sân chơi thực sự thu hút
khán giả. Tình yêu của người hâm mộ Việt Nam với bóng đá là không bao
giờ vơi cạn, cái họ cần là niềm tin./.
Trọng Phú (VOV)