Thứ Ba, 8/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 22/9/2015 20:43'(GMT+7)

Vai trò của báo chí cách mạng với thắng lợi của mùa thu Tháng Tám

GS. Phạm Xanh phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

GS. Phạm Xanh phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Sáng 22/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Toạ đàm “Báo chí cách mạng với thắng lợi của mùa thu tháng Tám”. Tham dự buổi tọa đàm có ông Lê Đức Vân - Nguyên phụ trách tờ báo Hồn Nước - Tiếng nói của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu-Hà Nội trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945; ông Nguyễn Kim Chi - Phụ trách in báo Hồn Nước; GS.TS Phạm Xanh - nguyên Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Phạm Xanh khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc, là thành quả 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

GS.TS Phạm Xanh cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của nhiều nguyên nhân trong đó có vai trò không nhỏ của báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện rất tốt các chức năng của mình: Chức năng tuyên truyền, chức năng hướng dẫn dư luận, chức năng tập hợp lực lượng… trong đó đặc biệt là chức năng tập hợp lực lượng để hoàn thành hết sức tốt đẹp sứ mệnh của mình.

Là người phụ trách tờ báo Hồn Nước, ông Lê Đức Vân cũng chia sẻ “cái thủa ban đầu ấy” với muôn vàn khó khăn của báo: bài vở như thế nào, in ấn ra làm sao, rồi phát hành bằng cách nào…? Ông Vân cho biết, nhận thấy thanh niên là lực lượng chủ chốt của cách mạng, Đảng đã có chỉ thị phải đẩy mạnh tập hợp thanh niên và có chủ trương mỗi thành phố lớn lập một ban thanh vận, ra một tờ báo riêng. Cho đến ngày 19/8/1945, chỉ có Hà Nội làm được điều này, có ban vận động thanh niên và ra được tờ báo Hồn Nước (ra đời tháng 12/1944). Tính đến ngày 19/8/1945, Hồn Nước ra được 6 số, mỗi số 2 trang, in khoảng hơn 100 tờ, với các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, được thanh niên chuyền tay nhau đọc, khích lệ tinh thần yêu nước của thanh niên, dần dần vận động họ tham gia tổ chức. Không chỉ thanh niên, nhiều người khác cũng được xem báo, từ đó tham gia, ủng hộ Việt Minh và trở thành chỗ dựa cho cách mạng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Có thể khẳng định, buổi tọa đàm đã làm rõ vai trò của báo chí cách mạng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cũng như khẳng định rõ hơn nữa tính chất, ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng ít đổ máu nhất giành chính quyền về tay nhân dân.

Trước đó, ngày 28/8, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2015), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng đã khai mạc Trưng bày chuyên đề “Sưu tập Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945”. Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý hiếm, đặc biệt sưu tập gần 90 đầu báo, tạp chí cách mạng thời kỳ 1925-1945, Trưng bày giúp công chúng hiểu hơn về một thời kỳ biên tập, in ấn, phát hành đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người làm báo… - một nhân tố góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất