1. Phạm trù văn hóa bao gồm nhiều mặt, có nội dung hết sức phong phú và có thể được hiểu theo các nghĩa rộng hoặc hẹp khác nhau.
Theo nghĩa rộng, văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người làm ra; bởi vậy, văn hóa gồm hai mặt cơ bản là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Cả hai mặt này đều được con người sáng tạo ra ở từng giai đoạn phát triển cụ thể nhất định và cả trong suốt quá trình phát triển rất lâu dài của lịch sử nhân loại.
Theo nghĩa hẹp, văn hóa được coi là mặt đời sống tinh thần của xã hội; là trình độ phát triển mà con người và xã hội đã đạt được trên các mặt học vấn, khoa học, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, cách giao tiếp, cách ứng xử trong xã hội giữa con người với con người, giữa con người và xã hội loài người với thiên nhiên,... cùng với các thiết chế tương ứng.
Có một điều chắc chắn rằng, văn hóa không phải là thứ có sẵn từ khi loài người mới hình thành, hay có trong bản thân mỗi con người ngay khi được sinh ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1). Xuất phát từ đây, ngay từ khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu ra năm điểm lớn để xây dựng nền văn hóa dân tộc bao gồm: “1) Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2) Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3) Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4) Xây dựng chính trị dân quyền; 5) Xây dựng kinh tế”(2).
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tiếp đó, trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người cũng đã chỉ rất rõ mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị khi viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(3).
Đặc biệt, tiếp thu và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16/7/1998, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết này đã coi các lĩnh vực văn hóa khác nhau “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”(4). Có thể nói, đây là một trong những nghị quyết đầy đủ nhất, toàn diện nhất cho đến thời điểm đó về văn hóa. Nghị quyết khẳng định, “chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”(5). Tiếp tục quan điểm trên, Đại hội XII của Đảng khẳng định rằng, phải “xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(6). Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(7).
Những khẳng định trên đây là hoàn toàn đúng đắn và rất cần thiết, nhấn mạnh được vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển xã hội, vai trò của văn hóa trong mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.
Đặc biệt, những khẳng định trên đây của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và các kỳ đại hội của Đảng còn có giá trị thực tiễn rất cao khi coi văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế và sự phát triển xã hội. Đây là những luận điểm hết sức mới mẻ, phù hợp với nhận thức và thực tiễn của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng nhiều mặt hiện nay. Dĩ nhiên, cần lưu ý rằng, không bao giờ được tuyệt đối hóa vai trò của văn hóa, cũng như không bao giờ được coi văn hóa là động lực duy nhất trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Song, nếu như coi nhẹ động lực này, hoặc bỏ qua nó thì lại là sai lầm rất khó chấp nhận, nhất là trong bối cảnh tất cả các nước trên thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số với tốc độ rất nhanh và hiệu quả nhờ các thành tựu của trí tuệ con người.
Hơn lúc nào hết, ở thế kỷ XXI, chúng ta cần có sự nhận thức mới hơn về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước, chứ không nên dừng lại ở quan niệm của những năm 70 - 90 thế kỷ XX, thời điểm mà nhiều người chỉ coi phát triển bền vững gồm có ba trụ cột chủ yếu là phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về chính trị - xã hội và phát triển bền vững về môi trường.
Trong một số bài viết, chúng tôi đã luận chứng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phát triển bền vững về văn hóa trong sự phát triển bền vững của xã hội trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai. Bởi lịch sử nhân loại cho thấy, mọi sự phát triển, xét đến cùng, nếu muốn đi thật xa và có hiệu quả lâu dài, muốn ngày càng trở nên bền vững hơn thì đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa, phải có văn hóa lành mạnh và tiến bộ dẫn đường. Đặc biệt, trong khi chúng ta vẫn “chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế... Trong hoạt động kinh tế, chưa chú ý đến các yếu tố văn hóa, các yêu cầu phát triển văn hóa tương ứng”(8) như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã chỉ ra, thì việc huy động các nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng, cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần, thành động lực để phát triển của mỗi địa phương cũng như của cả đất nước càng có vai trò quan trọng.
2. Dù được hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp thì văn hóa cũng vẫn do con người sáng tạo ra, được lưu lại và được trao truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời không ngừng được các thế hệ nối tiếp nhau hun đúc và làm phong phú thêm. Văn hóa, như trên đã nói, bao hàm hai mặt cơ bản nhất là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, hoặc là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Dù tồn tại dưới hình thức cụ thể nào thì văn hóa cũng vẫn là những nguồn lực quan trọng và đóng vai trò “động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định. Nếu văn hóa được thể hiện ra dưới dạng các sản phẩm vật thể thì cách thức khai thác, cách thức sử dụng vai trò nguồn lực này sẽ khác với cách thức khai thác và sử dụng nguồn lực văn hóa phi vật thể.
Có thể nói, nguồn lực các sản phẩm văn hóa vật thể nhân tạo và tự nhiên nhưng đã có bàn tay gia cố với các mức độ khác nhau của con người ở nước ta hết sức phong phú và đa dạng. Các kỳ quan thiên nhiên và nhân tạo đặc biệt có giá trị được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cũng như nhiều di tích văn hóa nổi tiếng khác khắp cả nước với “vẻ đẹp bất tận”, như Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô, di tích Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ (Hà Nội), Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Bái Đính, Tràng An (tỉnh Ninh Bình), động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), Kinh thành Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Mỹ Sơn, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Địa đạo Củ Chi - Bến Dược (Thành phố Hồ Chí Minh),... là những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đang mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương và cả nước. Nếu tổ chức kết nối tốt các khu du lịch này, kết hợp giới thiệu các giá trị lịch sử dân tộc thì hiệu quả nhiều mặt sẽ tăng lên đáng kể so với việc tổ chức đơn lẻ hoặc mạnh ai nấy làm.
Một vấn đề cần được đề cập sâu hơn là nguồn lực văn hóa phi vật thể, hay còn gọi là các nguồn lực văn hóa tinh thần đối với sự phát triển của đất nước. Có thể hiểu, mặt đời sống tinh thần của xã hội là trình độ phát triển mà con người và xã hội đã đạt được trên các khía cạnh quan trọng, như trình độ học vấn của người dân, trình độ phát triển của khoa học - công nghệ, của văn học và nghệ thuật; văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo và quản lý xã hội; văn hóa kinh doanh, văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử trong xã hội giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên, bao trùm hơn cả là trình độ văn hóa triết học, bởi như C. Mác nói, giữa tư duy của con người và tầm nhìn triết học với văn hóa có sự gắn bó hữu cơ, và rằng triết học phải “trở thành linh hồn sống của văn hóa...”(9).
Trong thế giới đương đại, những mặt này của văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển của xã hội mà trước đây chưa từng có. Các nguồn lực văn hóa tinh thần, như các di sản nghệ thuật, các tinh hoa văn hóa dân gian, âm nhạc dân tộc,... nếu được khai thác tốt vừa để phục vụ du lịch, vừa để giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ra thế giới nhằm thu hút du khách đến nước ta cũng sẽ tạo được cú hích cho du lịch phát triển, góp phần không nhỏ cho ngành công nghiệp văn hóa.
Đành rằng, việc khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa của hệ giá trị quốc gia trong công cuộc phát triển đất nước không thể thiếu cũng không tách rời ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cá nhân dù họ ở bất cứ vị trí nào trong xã hội; song, đất nước cũng sẽ không thể phát triển nếu sử dụng không hiệu quả hoặc không có các chính sách phù hợp để nuôi dưỡng, tận dụng có hiệu quả cao các nguồn lực khoa học, công nghệ và các phát minh, sáng chế trong những lĩnh vực này. Đây là điều rất dễ nhận thấy mỗi khi chúng ta tiến hành đánh giá lại, hay tổng kết quá trình phát triển của từng giai đoạn đã qua. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là, cần nâng cao, nâng tầm và sử dụng hiệu quả trình độ văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý xã hội; văn hóa kinh doanh; văn hóa giao tiếp; văn hóa ứng xử trong xã hội giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên để thúc đẩy sự phát triển của cả đất nước.
Trước hết, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mọi mặt của đời sống xã hội và thế giới đang có những biến động chính trị - xã hội và địa - chính trị rất khó lường như hiện nay thì văn hóa chính trị giữ vai trò định hướng. Trong điều kiện như vậy, đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững thì nhất định văn hóa phải thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, văn hóa phải thấm sâu vào tư duy của những con người đang nắm giữ vai trò quản trị, quản lý, điều hành đất nước một cách sáng tạo và hiệu quả trong các lĩnh vực, như khoa học, văn học và nghệ thuật, nhất là lĩnh vực chính trị với tư cách là văn hóa chính trị; nghĩa là, chính trị phải dựa trên nền tảng văn hóa.
Trong thời đại hiện nay, chính trị dựa trên nền tảng văn hóa sẽ là một sự bảo đảm, một động lực thúc đẩy việc xây dựng xã hội ổn định, dân chủ, tự do, công bằng, nhân văn và phát triển bền vững. Xét trong tổng thể, văn hóa chính trị, văn hóa công vụ, văn hóa đạo đức và nền tảng văn hóa nói chung bao giờ cũng là động lực tạo nên sức mạnh, khẳng định sự chính danh của một đảng chính trị đang lãnh đạo và cầm quyền, của một chế độ của dân, do dân, vì dân và bảo đảm cho sự vững bền của chế độ đó. Giá trị của nguồn lực văn hóa chính trị này khó có thể đo đếm theo cách thức thông thường mà chỉ có thể đánh giá thông qua những thành quả cụ thể được chế độ chính trị mang lại cho mỗi người dân, cho toàn thể xã hội và bằng sự ổn định, bền vững của chính chế độ, bằng sự hài lòng và niềm tin của người dân.
Trái lại, khi văn hóa chính trị và văn hóa đạo đức suy đốn, khi mà có những cán bộ các cấp và công chức trong bộ máy công quyền tiến hành công khai, lộ liễu, hoặc che giấu quá khéo léo, kín đáo việc mua bán chức vụ, vị trí lãnh đạo hoặc nơi công tác; nhận hối lộ, tham nhũng tiền bạc, tham nhũng quyền lực, bảo kê cho các hoạt động phi pháp, thoái hóa trong lối sống, mất dân chủ trong lãnh đạo và quản lý, trù dập những người trung thực,... thì tình trạng người dân mất niềm tin trầm trọng vào chính quyền, vào chế độ chính trị sẽ xảy ra; lúc đó, chế độ chính trị, xã hội sẽ khó có lý do chính đáng để tồn tại, chứ chưa nói đến sự ổn định hay sự phát triển bền vững của quốc gia. Lịch sử xã hội loài người đã từng cho thấy, văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị có thể góp phần củng cố hoặc thúc đẩy sự phát triển của một chế độ xã hội, nhưng cũng có thể kìm hãm, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến chỗ xóa sổ, hủy hoại cả một vương triều, một đất nước(10). Vì thế, nền tảng văn hóa của các cán bộ chính trị, của mọi công chức, viên chức ở tất cả các cấp quản lý nhà nước thuộc mọi lĩnh vực xã hội là điều kiện không thể thiếu để họ có thể đảm đương những trọng trách được giao.
Nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để phát triển với tốc độ nhanh, lành mạnh và vững chắc nền kinh tế này trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì chúng ta không chỉ cần có thị trường nội địa, mà còn rất cần cả thị trường quốc tế rộng lớn. Điều đó có nghĩa là, chúng ta không những phải tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, mà còn phải tạo được và quan trọng hơn là phải giữ được lâu dài niềm tin của người tiêu dùng ở các nước trên thế giới mà chúng ta có quan hệ thương mại và quan hệ kinh tế nói chung. Do vậy, ngoài năng lực sản xuất, trình độ tay nghề và nhiều phẩm chất quan trọng khác, để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thế giới thì người sản xuất, người kinh doanh phải là người có văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Việc ăn cắp bản quyền, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thực hiện kinh doanh kiểu chụp giật, không tự mình thường xuyên đổi mới, không chịu cải tiến, sáng tạo để vượt lên thì nhất định sẽ nắm chắc phần thất bại trên thương trường và do vậy, việc phá sản là không tránh khỏi.
Khát vọng làm giàu của tất cả những ai tham gia kinh tế thị trường là rất chính đáng, song để làm giàu một cách bền vững thì tuyệt đối không được làm trái đạo lý, không được vi phạm pháp luật, cũng không được trái với các giá trị văn hóa chung của loài người. Người tham gia kinh tế thị trường muốn làm giàu chính đáng thì không phải chỉ có trách nhiệm với cộng đồng xã hội và với đất nước, mà còn phải có trách nhiệm với chính bản thân mình để không bị tụt lại phía sau, để không bị quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường đào thải. Muốn làm giàu chính đáng và bền vững thì người kinh doanh trong thời đại kinh tế thị trường toàn cầu hóa hiện nay không chỉ phải có trách nhiệm về phương diện đạo đức, mà còn phải có trách nhiệm xã hội, nghĩa là phải làm giàu có văn hóa. Bởi vậy, nội dung quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân chính là trách nhiệm xã hội của doanh nhân và doanh nghiệp. Văn hóa kinh doanh đòi hỏi phải kinh doanh có trách nhiệm. Trách nhiệm này vừa phải thấm vào tư duy của người kinh doanh, vừa phải thể hiện trong các sản phẩm mà họ đưa ra thị trường, nhất là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe của con người, đặc biệt là đến sức khỏe của các thế hệ trẻ; đồng thời, không tổn hại đến môi trường, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội. Ở đây, cái lợi phải hài hòa với cái chân; nếu chỉ quan tâm đến cái lợi thì có thể gây ra những tai họa khôn lường cho cả con người và môi trường sống. Văn hóa đạo đức và trách nhiệm xã hội của các doanh nhân là biểu hiện tập trung và cao nhất của văn hóa kinh doanh. Bởi vậy, có thể nói, văn hóa đạo đức có thể sẽ nâng họ lên thang bậc cao nhất, nhưng việc thiếu văn hóa đạo đức cũng có thể đẩy họ xuống vực sâu, đến phá sản hoặc vào cảnh tù tội một khi luật pháp phát hiện ra những việc làm sai trái, thiếu văn hóa của họ.
Như vậy, vai trò động lực của văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế thị trường chính là chìa khóa mở ra cơ hội giành phần thắng trong cạnh tranh công bằng, lành mạnh, qua đó thúc đẩy sản xuất xã hội phát triển.
Bên cạnh đó, để đất nước phát triển nhanh và bền vững thì rất cần ứng xử có văn hóa với thiên nhiên và với môi trường tự nhiên, đồng thời cũng phải tạo được môi trường xã hội lành mạnh; phải coi văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước hết, về mặt này, cần thiết phải ứng xử có văn hóa với thiên nhiên và môi trường tự nhiên. Chúng ta đều hiểu rằng, con người và xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển trong môi trường tự nhiên, gắn bó với tự nhiên. C. Mác đã từng viết rằng, “con người... sống bằng giới tự nhiên vô cơ... Giới tự nhiên... là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người, thân thể mà với nó con người phải ở lại trong quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại... con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(11). Còn Ph. Ăng-ghen thì khẳng định rằng, “bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên”. Do vậy, Ph. Ăng-ghen nghiêm khắc cảnh báo, con người cần phải ứng xử có văn hóa đối với giới tự nhiên và rằng, “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên”(12). Tương tự như Ph. Ăng-ghen, C. Mác cũng đã từng rút ra kết luận mang tính cảnh báo rằng, “nếu canh tác được tiến hành một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách có ý thức... thì sẽ để lại sau nó đất hoang”(13).
Trong lịch sử dân tộc, ông cha ta đã rất khéo ứng xử hài hòa với thiên nhiên và luôn đề cao triết lý thiên nhân hợp nhất. Đất nước ta, dù đã trải qua bao nhiêu biến động do các cuộc chiến tranh tàn khốc gây ra, nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn giữ được môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, nhất là sự phát triển công nghiệp trong thời gian vừa qua trên cả nước, đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề nan giải về cách thức ứng xử với môi trường tự nhiên. Do ứng xử thiếu khoa học nên tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,... ở nhiều vùng của nước ta đang ở mức báo động cao. Dù chưa tính toán chính xác được tất cả thiệt hại nhưng cái giá phải trả cho tình trạng môi trường bị ô nhiễm, do ứng xử thiếu văn hóa với thiên nhiên chắc chắn không phải là nhỏ. Đây chính là hậu quả của sự thiếu hụt kiến thức về văn hóa môi trường, văn hóa sinh thái. Văn hóa chưa thấm vào tư duy của những người làm chính sách, đặt kế hoạch, làm quy hoạch và chưa được các cơ quan tham mưu quan tâm đúng mức. Ở đây, cũng có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan thực thi pháp luật. Nói cách khác, việc thiếu tư duy hệ thống, thiếu sự đồng bộ trong hoạch định chính sách, trong quy hoạch phát triển, trong kiểm tra vẫn đang là vấn đề nhức nhối lớn của đất nước.
Trên thế giới, suốt mấy thập niên vừa qua đã có quá nhiều cảnh báo khẩn cấp về những tác động không mong muốn của tình trạng ô nhiễm và phá hoại môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, theo Tổ chức bảo tồn quốc tế, thế giới trong những năm gần đây “cứ hai mươi phút, ngoài một loài sinh vật bị tuyệt chủng thì còn 485 héc-ta rừng bị cháy, bị phá vì mục đích kinh tế”(14).
Ở nước ta, nạn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nạn phá và đốt rừng để lấy đất canh tác, nạn khai thác trộm gỗ quý ở các cánh rừng nguyên sinh gây nên tình trạng lụt lội, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, đang hủy hoại nơi sinh sống của các loài sinh vật và đe dọa cuộc sống của cả con người. Nạn hạn hán triền miên ở nhiều tỉnh cũng là hậu quả của việc không còn rừng nên không thể giữ được lượng nước mưa. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang làm gia tăng và phát tán nhanh chóng các loại bệnh dịch quái ác, thậm chí dẫn tới những đại dịch đe dọa nghiêm trọng sự sống của loài người.
Con người gắn chặt cả với môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội từ khi xuất hiện cho đến nay. Sự phát triển của con người cũng chịu sự ràng buộc và sự quy định nhất định của môi trường, mặc dù bản thân con người có khả năng cải biến cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội. Bảo vệ tốt môi trường tự nhiên chính là bảo vệ cơ sở tồn tại của chính con người. Tuy nhiên, con người không thể phát triển các phẩm chất tốt đẹp của mình nếu không có môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh. Do vậy, xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh là điều kiện không thể thiếu để có thể phát triển và hoàn thiện con người với tư cách lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Một môi trường xã hội tốt, trong sạch, lành mạnh mang các giá trị văn hóa phải là môi trường tạo được các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển các tài năng, cho sự sáng tạo. Trong bất cứ xã hội nào, số người có tài năng thật sự tuy không phải là hiếm, thậm chí cũng không phải là ít, nhưng để cho các tài năng phát triển, và nhất là để có được những thiên tài, thì xã hội “phải chăm lo đất trồng để các thiên tài từ đất ấy lớn lên tươi tốt. Thiên tài chỉ có thể tự do hít thở trong một bầu không khí của tự do”(15). Cái cản trở sự phát triển của con người là do con người bị kìm nén bởi tình trạng các luật lệ bảo thủ, quá hà khắc, phản nhân văn, tình trạng vô luật pháp, nhất là tình trạng mất dân chủ và không có tự do thật sự. Con người không thể nào bộc lộ được tài năng, không thể nào phát triển được trí tuệ của mình ở mức cao nhất nếu như phải sống trong bầu không khí xã hội ngột ngạt, mất dân chủ, không có tự do. Tuy nhiên, nếu đó là thứ tự do vô luật pháp, tự do vô bờ bến, bất chấp kỷ cương, phép nước thì lại dẫn xã hội đến chỗ rối loạn, không ổn định, cản trở sự phát triển. Nói cách khác, môi trường tự do, dân chủ trong khuôn khổ luật pháp, phù hợp với điều kiện lịch sử - xã hội mới là động lực thật sự của sự phát triển. Tạo được sự hài hòa giữa luật pháp, kỷ cương và sự tự do, dân chủ trong xã hội cho mọi người chính là tạo ra môi trường xã hội phù hợp nhằm khuyến khích sự sáng tạo, sự ra đời các sáng kiến và các phát minh, sáng chế khoa học; qua đó, thúc đẩy sản xuất và các mặt của xã hội phát triển. Sức mạnh và động lực của văn hóa thể hiện rõ nhất chính là ở điểm này.
Như vậy, có thể khẳng định một lần nữa, văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng với quá trình phát triển. Một khi văn hóa trì trệ thì không có bất cứ sự phát triển kinh tế - xã hội nào. Vì thế, khai thông nguồn lực văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mới hiện nay, góp phần thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
____________________
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.458, 458.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246.
(4), (5) (8) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.55, 55, 52-53.
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.126.
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.115-116.
(9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.1, tr.157.
(10) Nguyễn Trọng Chuẩn: Nạn tham nhũng và nguy cơ của nó, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12/2013, tr.53-60.
(11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.42, tr.134-135.
(12) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1994, t.20, tr.635.
(13) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1997, t.32, tr.80.
(14) Thomas L.Friedman: Nóng, phẳng, chật, Nxb. Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, 2009, tr.200.
(15) J.S. Mill: Bàn về tự do, Nxb. Tri thức, H, 2005, tr.148.
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)