Thứ Sáu, 15/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 24/9/2009 9:39'(GMT+7)

Vai trò của Nhà nước trong giải quyết khủng hoảng kinh tế

Nước Nga tham dự với thành phần gần như đầy đủ các nhà lãnh đạo cấp cao như Tổng thống Dmitry Medvedev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Serey Mironov, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Boris Gryzlov, thủ lĩnh các đảng phái chính trị và các đại diện 50 chủ thể hành chính của LB Nga. Chủ đề trọng tâm của hội nghị là: Những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới hiện nay, con đường xây dựng thế giới sau khủng hoảng, triển vọng thành lập các thể chế quốc tế mới, xác lập các tiêu chuẩn dân chủ của Nhà nước hiện đại và các mô hình dân chủ, cơ cấu an ninh quốc tế mới.

Các nhà phân tích cho rằng, luận đề từ bài phát biểu ý kiến của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev về việc bước sang thế kỷ 21 trước "gáo nước lạnh" của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thế giới cần một nền chính trị khôn ngoan và hợp lý hơn, đã tạo xung lực mới cho các cuộc thảo luận tại hội thảo. Tổng thống Medvedev nhấn mạnh, thực tế từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã bác bỏ những lập luận được đưa ra cuối thế kỷ trước nhằm hạ thấp vai trò của Nhà nước có chủ quyền trong thời đại toàn cầu hóa. Theo ông, trong thời điểm khó khăn vừa qua, chính các Nhà nước có chủ quyền đã đưa ra những chương trình chống khủng hoảng hiệu quả, ổn định và bảo đảm phúc lợi xã hội cho người dân, góp phần ổn định kinh tế thế giới, chứ không phải các định chế kinh tế quốc tế. Ông cho rằng, một Nhà nước hiện đại phải là một Nhà nước dân chủ với các tiêu chí là bảo đảm an ninh toàn cầu và phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển xã hội chủ yếu đạt được bằng biện pháp phi bạo lực, trên cơ sở "khoan dung, an ninh, văn hóa đối thoại".

Tổng thống Nga chỉ trích chính sách tài chính "thiếu cân nhắc" của một số quốc gia là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua. Ông nêu rõ, khủng hoảng đã làm gay gắt hàng loạt vấn đề xã hội, gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp dẫn đến giảm thu nhập của người dân, khiến điều kiện sống của hàng trăm triệu người trên thế giới thêm tồi tệ. Trách nhiệm của mỗi chính phủ là đưa ra các giải pháp cần thiết và yếu tố ổn định chính trị được coi là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng một nhà nước vững mạnh. Cũng theo đề xuất của ông Medvedev, châu Âu cần phải có một hiệp ước an ninh mới thay thế những thỏa ước hiện có của thời kỳ chiến tranh lạnh, nhằm cải thiện quan hệ giữa nhiều quốc gia.

Nhiều ý kiến đề xuất thành lập các nhóm chuyên gia khắc phục hậu quả suy thoái và cải tổ các định chế kinh tế - tài chính quốc tế. Các chính phủ cần đưa ra những mô hình mới để điều chỉnh các quan hệ tài chính nhằm tránh lập lại một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Nhiều đại biểu cho rằng, cần đề ra những tiêu chí chung để đánh giá hoạt động của các chính phủ, không để một số nước áp đặt quan điểm lên các nước khác.

Nạn khủng bố - một thách thức nặng nề đối với các quốc gia - cũng được các đại biểu đưa ra và cùng nhau tìm lời giải để khi đối phó chủ nghĩa cực đoan, không gây hại cho kết cấu xã hội. Vì vậy, chủ đề "Nhà nước hiện đại chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân biệt đối xử" là chủ đề thu hút được nhiều ý kiến thảo luận có tính "cọ xát" nhất. Theo đó, mối quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay không giới hạn ở cuộc chiến chống khủng bố, mà cả vấn đề người nhập cư hay đối thoại giữa các nền văn minh, giữa các quốc gia và cả tình trạng phân biệt đối xử đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng quan hệ giữa các nước trên cơ sở bình đẳng, cần tính đến những quan điểm chung, những giá trị và định hướng chung, tránh để bất đồng biến thành đối đầu. Do đó, nhiệm vụ của Hội nghị là phối hợp lập trường để đạt tới sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Hội nghị quốc tế "Nhà nước hiện đại và an ninh toàn cầu" tại Yaroslap được đánh giá không chỉ lớn về quy mô tổ chức và thành phần tham dự, mà thật sự quan trọng bởi nội dung phong phú, thiết thực nhằm nêu bật trách nhiệm xã hội của Nhà nước hiện đại. Trong đó, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định toàn cầu, củng cố nền dân chủ, tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân liệt và phân biệt chủng tộc. Nước chủ nhà Nga hy vọng hội nghị sẽ trở thành diễn đàn quốc tế hằng năm để giới chính khách, giới khoa học và các chuyên gia kinh tế trên thế giới có thể thảo luận về an ninh quốc tế và những vấn đề của thời đại, từ đó xích lại gần nhau trong việc hiện thực hóa các tư tưởng tiến bộ, dân chủ. Theo đề xuất của Nga, hai trung tâm hội thảo quốc tế sẽ được hình thành ở nước Nga, đó là Saint-Peterburg để thảo luận những vấn đề kinh tế toàn cầu và Yaroslap - về những chủ đề chính trị thế giới./.

(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất