Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 12/6/2017 20:47'(GMT+7)

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo ở Sochi, Nga ngày 3/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo ở Sochi, Nga ngày 3/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hôm 7/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã khẩn cấp thông qua dự luật cho phép quân đội nước này hiện diện tại Qatar. Đến ngày 9/6, dự luật trên đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ký ban hành. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc khủng hoảng Qatar. Lựa chọn này không thể được coi là tự nhiên. Ngay từ đầu, Ankara đã phản ứng rất tiêu cực trước việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab láng giềng.

Một cuộc tuần hành ủng hộ Qatar do chính phủ phát động đã được tổ chức tại Istanbul. Ông Erdogan đã công khai chỉ trích vụ tẩy chay của Saudi Arabia và các nước đồng minh, và nhận làm trung gian trong đàm phán với Qatar.

Hợp tác giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ được tạo dựng từ thời cha của Quốc vương hiện tại Seikh Hamad bin Khalifa al-Thani. Hai bên không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế mà còn có sự gần gũi về quan điểm đối với Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Qatar đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng ly khai người Kurd. Cuối cùng, cả hai nước này đều có chung sự cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia.

Bằng chứng về liên minh "bất thành văn" giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là việc thành lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar năm 2014. Tuy nhiên, lúc đó dự án đã không thành công. Công trình xây dựng bị đóng băng, chỉ có vài chục binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại đây. Nguyên nhân là người Thổ được gọi đến Qatar khi quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia căng thẳng và leo thang đến mức hàng loạt nước triệu hồi đại sứ khỏi Doha.

Tuy nhiên, sau đó cuộc khủng hoảng đã được giải quyết và không còn cần đến sự ủng hộ của ông Erdogan. Hiện nhu cầu đó lại nổi lên và ở quy mô lớn hơn nhiều. Ngay từ đầu, Tổng thống Erdogan đã thể hiện rằng ông sẵn sàng giúp đỡ Qatar.

Nếu việc ký luật được chuyển thành hành động, một lực lượng quân đội lớn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bố trí tại Qatar để huấn luyện các binh sỹ địa phương. Chính quyền Qatar nêu ra con số 8.000 binh sỹ. Tổng quân số lục quân của Qatar cũng chỉ khoảng ở mức đó.

Giới phân tích nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai ít quân hơn, chỉ vài nghìn lính. Mỹ hiện có 11.000 quân đóng tại Qatar. Chính quyền Qatar vẫn coi Mỹ là nhân tố bảo đảm an ninh cho họ. Nếu Saudi Arabia can thiệp quân sự, tất nhiên Mỹ sẽ không thể "ra tay," còn Thổ Nhĩ Kỳ thì có thể.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không chỉ "làm nguội được những cái đầu nóng" tại Saudi Arabia, mà họ còn cho thấy dù Riyadh cố gắng nhưng không thể cô lập ngoại giao được Qatar. Điều đó có nghĩa là sẽ phải đàm phán. Và đó là thông điệp với Mỹ, nước có quan điểm dường như không kiên quyết và thậm chí hai mặt về Qatar. Dù chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du hòa giải Qatar với các nước láng giềng, nhưng có lúc Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố ủng hộ Saudi Arabia.

Cuộc khủng hoảng xoay quanh Qatar mà Saudi Arabia và các đồng minh tạo nên đã cho thấy sự phức tạp và rắc rối ở Trung Đông. Dự định của Tổng thống Donald Trump về việc thành lập một "NATO Trung Đông" nhằm chống lại Iran và chống khủng bố đã vấp phải thực tế phũ phàng. Có quá nhiều mâu thuẫn lịch sử trong khu vực và bất kỳ ai muốn thi hành chính sách của mình tại đây đều phải tính đến các mâu thuẫn đó./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất