Nhiều vấn đề
liên quan đến chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của
công dân, sở hữu đất đai… đã được các đại biểu tham gia góp ý.
Các đại
biểu cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bảo đảm cụ thể hóa các quan
điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội XI về sửa đổi Hiến pháp
năm 1992, dự thảo Hiến pháp xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ
quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện rõ
nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã
hội; tăng tính dân chủ và pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng
và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.
Các ý
kiến đều thống nhất giữ nguyên Điều 4 Dự thảo Hiến pháp. Trong tình hình hiện
nay, cần tập trung làm rõ và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng
là một tất yếu lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đối với vấn
đề đất đai, nhiều đại biểu cho rằng Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn
dân đã cho thấy tính chất ưu việt của đất nước là quyền thuộc về nhân dân, quyền
tối thượng là phục vụ nhân dân, thể hiện tính dân chủ cao. Song, không ít ý kiến
băn khoăn cho rằng khái niệm này còn chung chung, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng
để đồng hóa việc thu hồi đất phục vụ công trình phúc lợi công cộng với phục vụ
sản xuất, đây là mầm mống của những vụ khiếu kiện.
Khoản 3 Điều 58 cần
nêu rõ nhà nước thu hồi đất như thế nào, với các công trình an ninh quốc phòng,
công trình công cộng, Nhà nước thu hồi phải có bồi thường thỏa đáng nhưng với
những dự án phát triển kinh tế-xã hội thì phải thu mua.
Do đó, cần tách
nội dung “các dự án phát triển kinh tế-xã hội” ra khỏi khoản này, để chủ đầu tư
các dự án phát triển kinh tế - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật,
tránh tình trạng lợi dụng để lấy đất của dân.
Xung quanh những quy định
về Mặt trận Tổ quốc được thể hiện tại Điều 9, các đại biểu đề nghị giữ nguyên
cụm từ “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính
quyền nhân dân” như Hiến pháp 1992.
Đồng thời, cần làm rõ khái niệm giám
sát và phản biện của tổ chức này theo hướng giám sát đối với hoạt động của cơ
quan nhà nước, cơ quan dân cử; phản biện đối với các chủ trương, chính sách của
cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền để các chủ trương, chính sách đó phục vụ
lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
Cũng liên quan đến quy định này, nhiều
ý kiến cho rằng Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, do vậy, không thể nói “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam” như khoản 3 mà cần nói rõ Nhà nước bảo đảm hay có cơ chế chính sách để
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động./.
Theo TTXVN