Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 29/5/2017 15:20'(GMT+7)

Cưỡng chế công khai: Báo chí góp phần phản bác thông tin vu khống, bịa đặt

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Cưỡng chế là hoạt động bình thường trong qúa trình quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước ở bất kỳ quốc gia nào. Đây là việc hết sức cần thiết nhằm lập lại trật tự kỷ cương, tuân thủ pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hoặc để phục vụ cho lợi ích công cộng, an ninh - quốc phòng và sự phát triển của đất nước.

Hoạt động cưỡng chế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra hoặc ngăn chặn những thiệt hại do thiên tai gây nên, đồng thời mang tính răn đe mạnh mẽ nhằm khôi phục trật tự pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và của Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác cưỡng chế ở một số địa phương thời gian qua còn có những bất cập, gây ra nhiều hậu quả và dư luận tiêu cực trong xã hội, nhất là đối với những lĩnh vực liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tình trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân khác nhau, như về phía người dân cố ý chống đối, không chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở khía cạnh ngược lại, một số cơ quan khi tiến hành cưỡng chế chưa tuân thủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục cưỡng chế, thậm chí có trường hợp lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức. Điều này gây ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật và làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta.

Mặc dù, sự tham gia thông tin đầy đủ, kịp thời của báo chí trong quá trình cưỡng chế là tích cực, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, nên ở một số nơi, một số vụ việc, các cơ quan chức năng khi tiến hành cưỡng chế thường không thông báo công khai, chưa tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí  đưa tin, phản ánh. Thậm chí, có một số cơ sở, địa phương còn gây cản trở việc tác nghiệp đúng luật của báo chí. Những việc làm như vậy buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Tại sao phải ngăn cản báo chí? Liệu có khuất tất gì đằng sau vụ các cưỡng chế này?

Để cưỡng chế thật sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân thì ngoài việc phải tuân thủ đúng pháp luật, quan trọng nhất là phải công khai, thông báo, khuyến khích các cơ quan báo chí đưa tin rộng rãi. Điều này vừa mang tính giáo dục, răn đe đối với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ pháp luật, cố ý chây ỳ, không thi hành bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyển, vừa tránh được tình trạng cưỡng chế trái pháp luật, cưỡng chế không đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc cơ quan báo chí tham gia, đưa tin sẽ phản ánh kịp thời, khách quan quá trình cưỡng chế, thể hiện vai trò “giám sát” vô tư, khách quan. Như vậy, vừa hạn chế được tình trạng lạm quyền trong thực hiện cưỡng chế, vừa kịp thời phản ánh sai sót, bất cập, hạn chế, thậm chí là vi phạm pháp luật (nếu có) trong quá trình cưỡng chế, giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng cưỡng chế, nhất là trong thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Việc các cơ quan chức năng thực hiện đúng những nguyên tắc về công khai trình tự, thủ tục quá trình cưỡng chế, trong đó có thông báo cho các cơ quan báo chí biết để tham gia đưa tin, còn góp phần ngăn chặn được những thông tin bịa đặt, vu khống, bóp méo sự thật (như tạo hình ảnh, video clip giả mạo để tung lên mạng xã hội, nói xấu chính quyền). Ngoài ra, còn góp phần ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự bức xúc, đòi hỏi vô lý, không chính đáng của một số người dân để kích động, khiếu kiện hoặc có hành vi chống người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn xã hội./.

P.V.C        

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất