Các nước EU đang đối mặt với những bài toán kinh tế hóc búa khi bị “bủa vây” bởi cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn lên tới hàng triệu người, khiến chính phủ các nước này phải chi ngân sách hàng tỷ USD.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nhận định của giới hoạch định chính sách Đức, cho rằng về ngắn hạn, kinh tế các nước châu Âu sẽ phải chịu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trên khi buộc phải chi phát sinh một khoản lớn ngân sách công để cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ở cho những người di cư, cũng như xử lý đơn xin tị nạn.
Một số quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá đáp ứng tương đối dễ dàng các khoản chi phí, chẳng hạn như Pháp tính toán phải chi tiêu một khoản bổ sung 300 triệu euro (hơn 341 triệu USD) cho người tị nạn, trong khi dự trữ khẩn cấp của nước này khá lớn, 8 tỷ euro (9,1 tỷ USD).
Tuy nhiên, đối với một số quốc gia khác, kể cả Đức, các chi phí này lại không hề nhỏ.
Cụ thể, Đức đã dành 6 tỷ euro (hơn 6,8 tỷ USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay và Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) ước tính khoản chi ngân sách mà quốc gia này phải bỏ ra để giải quyết vấn đề trên trong hai năm tới sẽ lần lượt lên đến 10 tỷ (11,37 tỷ USD) và 12 tỷ euro (13,65 tỷ USD).
Cũng theo S&P, những khoản chi ngân sách lớn đột xuất có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách hoặc mức xếp hạng tín nhiệm của một số nước EU.
Bên cạnh đó, việc hàng nghìn người tị nạn và di cư đổ về châu lục này sẽ “bào mòn“ hệ thống an sinh xã hội vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.
Về mặt trung hạn, hiện chưa có đủ dữ liệu để đưa ra những kết luận chính xác về mức độ tác động của cuộc khủng hoảng di cư, vì không ai biết chắc chắn các công dân Trung Đông, châu Phi và những nước Balkan trong dòng người di cư có những kỹ năng nào, bao nhiêu người sẽ được phép ở lại và làm thế nào họ có thể sớm được tham gia lực lượng lao động sở tại.
Những người tị nạn đến châu Âu được cho là sẽ cần ít nhất từ 5 đến 6 năm để có thể hòa nhập vào xã hội sở tại và đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ ở mặt bằng chung, còn nếu muốn ngang bằng với người bản xứ, quá trình này sẽ mất 15 năm.
Về dài hạn, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng cuộc khủng hoảng di cư trong tương lai xa sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế châu Âu.
Theo thời gian, những người mới đến sẽ thể hiện một vai trò quan trọng trong giải quyết các xu hướng nhân khẩu học đáng báo động và tình trạng già hóa lao động hiện nay ở châu Âu, cũng như nâng cao tỷ lệ lao động ở nhiều nước.
Ngoài ra, theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), người nhập cư chiếm tới 70% lực lượng lao động tăng thêm ở châu Âu trong 10 năm qua, giúp tăng độ tuổi lao động, lấp đầy các ngành đang sụt giảm lao động và góp phần tăng tính linh hoạt cho thị trường lao động, từ đó tăng khả năng nhanh thích nghi của thị trường này đối với các thay đổi trong xã hội.
Liên quan tới tác động tích cực mà dòng người di cư mang lại, phóng viên TTXVN tại Rome ngày 23/10 dẫn báo cáo thường niên của Quỹ Leone Moressa cho biết với khoảng 5 triệu người, chiếm 8,2% dân số Italy hiện nay, người nhập cư đã trở thành nguồn lao động dồi dào và quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia Nam Âu này.
Năm ngoái, lực lượng này đã góp phần mang lại 125 tỷ euro (hơn 142 tỷ USD) cho Italy, đóng góp cho hệ thống phúc lợi xã hội nước này 10,3 tỷ euro (hơn 11,7 tỷ euro) và đóng thuế hơn 50 tỷ euro (hơn 56,8 tỷ USD).
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng những người nhập cư và tị nạn mới đến các nước châu Âu cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc hội nhập, như vấn đề ngôn ngữ, rào cản văn hóa, hay việc phải đối mặt với làn sóng thù ghét và bạo lực nhằm vào người nước ngoài đang gia tăng tại nhiều nước châu Âu./.
Theo VN+