Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 28/4/2009 11:29'(GMT+7)

Vấn đề môi trường đã được quan tâm đúng mức

Các công nhân đang thi công hạng mục đào giếng tại công trường bôxit Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) - Ảnh: N.H.Tình

Các công nhân đang thi công hạng mục đào giếng tại công trường bôxit Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) - Ảnh: N.H.Tình

Cần xử lý tốt ba vấn đề

Ông Nguyễn Đình Hòe nói: “Chúng tôi rất đồng tình với việc Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án (dự án khai thác bôxit ở Nhân Cơ thuộc tỉnh Đắc Nông và Tân Rai thuộc tỉnh Lâm Đồng) để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta chờ đợi các cơ quan chức năng và nhà đầu tư Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) thực hiện đúng kết luận trên”. Về phía VACNE, ông Hòe cho rằng sau khi nghiên cứu, trong đó có việc đi thực địa ở Tây nguyên, để thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong việc khai thác bôxit như kết luận của Bộ Chính trị, cần xử lý tốt ba vấn đề: thứ nhất là chống xói mòn và hoàn thổ, thứ hai là nguồn nước, thứ ba là bùn đỏ.

Về vấn đề chống xói mòn và hoàn thổ, VACNE cho biết khai thác bôxit là khai thác một loại quặng nằm trên đỉnh đồi và nằm trong vùng có tốc độ xói mòn cực nhanh. Thậm chí theo một số cán bộ lâu năm ở Đắc Nông, chỉ cần 10 năm, tại một số vùng, tầng phủ bờ rời trên quặng bôxit dày 1m đã bị xói mòn hết (quặng lộ thiên). Ông Nguyễn Đình Hòe bổ sung: tổng lượng mưa ở Đắc Nông là 2.400-3.000ml trong vòng vài tháng, có ngày từ 400-500ml, do vậy sau khi đào quặng lên rất khó để hoàn thổ, trồng cây.

Trong khi đó Bộ Chính trị yêu cầu “quá trình triển khai hai dự án này cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác”. Và để giải “đề bài” đó đòi hỏi ngay khi khai trường bôxit được đào bới thì phải thi công các hào bao quanh, hoặc một biện pháp kỹ thuật khác để chống xói mòn do mưa. Cùng với quá trình chống xói mòn, phải bắt tay vào nghiên cứu dùng loại đất nào để hoàn thổ (ở Nhân Cơ nhiều nơi quặng lộ thiên không có đất để hoàn thổ) và trồng cây gì cho phù hợp.

Cân bằng tài nguyên nước

Để giải quyết bài toán tài nguyên nước, các nhà khoa học cho biết ngay cả khi không khai thác bôxit thì nguồn nước cho lưu vực sông Đồng Nai (hệ thống sông Đồng Nai trải dài từ cao nguyên M’Nông của tỉnh Đắc Nông và Lang Bian của tỉnh Lâm Đồng đến cửa Soài Rạp của TP.HCM) cũng đã khan hiếm. Trong khi đó, cả hai khâu tuyển bôxit và alumina trên Tây nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Ông Nguyễn Đình Hòe phân tích: “Đòi hỏi ở đây là phải cân bằng nguồn nước, cho cả khai thác bôxit, cho các nhà máy thủy điện trong vùng và cho 20 triệu dân cùng hàng loạt khu công nghiệp ở hạ lưu sông Đồng Nai. Bên cạnh việc tính toán chia sẻ nguồn nước, điều hết sức quan trọng là đẩy mạnh việc bảo vệ rừng, trồng rừng ở Tây nguyên để tăng lượng sinh thủy. Nếu chúng ta không giữ được rừng, bài toán sẽ càng khó khăn hơn”.

Nhìn nhận vấn đề bùn đỏ trên cao nguyên, VACNE cho biết theo quy trình hiện nay, muốn sản xuất 1 tấn alumina phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bôxit và thải ra đến 1,5 tấn bùn đỏ. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án bôxit Nhân Cơ, nước thải và bùn thải có khối lượng hơn 11 triệu m3/năm. Đặc trưng của bùn đỏ là có kích thước mịn, khi khô dễ phát tán bụi vào không khí gây ô nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với bùn đỏ gây ra các bệnh về da, mắt. Ông Nguyễn Đình Hòe nói nếu chế biến bôxit thành alumina ở Tây nguyên sẽ bắt buộc tạo ra các hồ chứa bùn đỏ tại chỗ hoặc ở đâu đó. Có thể về mặt kỹ thuật hồ chứa bùn đỏ được xử lý tốt, nhưng sau đó cần tính đến nguy cơ xói lở hồ bùn đỏ. Đây là điểm cần lưu ý để bảo vệ môi trường về lâu dài.

Chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển: Thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại sáng 26-4, chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển nói: “Bộ Chính trị đã có kết luận (về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025), chúng tôi với tư cách là nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm túc kết luận đó. Đây là nguyên tắc trong việc thực hiện một việc lớn. Việc chuẩn bị báo cáo trung ương và Quốc hội là của cấp trên, còn chúng tôi phải làm theo đúng pháp luật và chỉ đạo của cấp trên”.

V.V.Thanh-Tuấn Phùng (Tuổi Trẻ)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất