Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 18 - 20/9) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019, rút ra những bài học thực tiễn sâu sắc, đề ra các chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới.
KHƠI DẬY MẠNH MẼ TINHT HẦN THI ĐUA, SÁNG TẠO
Trao đổi với báo chí trước thềm đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận các cấp đã bám sát Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019. Mặt trận luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm được quy định trong cương lĩnh của Đảng, trong Hiến pháp, trong Luật Mặt trận và các văn bản của Đảng, Nhà nước; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mặt trận các cấp đã huy động được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ; tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tạo được niềm tin của Đảng, nhân dân; thể hiện vai trò, trách nhiệm trong công tác đối ngoại nhân dân, tập hợp kiều bào nước ngoài hướng về quê hương, đất nước để xây dựng, bảo vệ đất nước.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cũng thực hiện các Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy nhằm đảm bảo tinh gọn, thực hiện hiệu quả các công việc của Đảng giao; phối hợp với Nhà nước, chính quyền các cấp phát huy sức mạnh của các tổ chức thành viên để hoàn thành các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận phát động.
Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường.
Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đóng góp hiệu quả cùng công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước. Hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới, hướng mạnh về cơ sở.
PHÁT TRIỂN RỘNG KHẮP CÁC MÔ HÌNH TỰ QUẢN
Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững, mối quan hệ gắn bó mật thiết và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố. Các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, đoàn kết thi đua xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Trong nhiệm kỳ, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Điểm nổi bật là Mặt trận và các tổ chức thành viên ở nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo điểm và phát triển rộng khắp các mô hình nhân dân tự quản, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; tích cực lồng ghép tuyên tuyền, vận động bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Hàng năm, Mặt trận chủ trì phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”, qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chăm lo cho các gia đình chính sách, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai với nhiều giải pháp mới, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong ưu tiên phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam có chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
CÁN BỘ MẶT TRẬN PHẢI GẮN BÓ, SÂU SÁT VỚI NHÂN DÂN
Về những hạn chế, khó khăn trong công tác mặt trận, đồng chí Trần Thanh Mẫn chia sẻ: Một trong những hoạt động trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc các cấp là công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này có nơi chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao ở một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn giao thông...
Một số nơi việc nắm bắt tình hình nhân dân còn bị động, chưa kịp thời; vẫn còn có những vụ việc bức xúc chưa thấy rõ vai trò phản ánh, tham mưu và tham gia giải quyết của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài chưa thường xuyên.
Việc triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua của Mặt trận và các tổ chức thành viên ở một số nơi, nhất là ở cơ sở, còn chồng chéo, hiệu quả phối hợp chưa cao. Trong vận động xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi chưa chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; trong vận động xây dựng đô thị văn minh còn chưa rõ về phương thức, tiêu chí đánh giá.
Ngoài ra, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận mới chỉ tập trung nhiều ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa tổ chức được nhiều chương trình giám sát độc lập; chưa có cơ chế, quy trình thích hợp phát huy vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân.
Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt. Ở một số nơi, Mặt trận chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chưa đề xuất, tham mưu tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Nội dung, hình thức, giải pháp công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở một số địa phương chưa rõ nét, kết quả còn hạn chế. Việc củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động ở cấp địa phương, cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập…
Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ qua, trên cơ sở quyết tâm đổi mới, đáp ứng yêu cầu của đất nước và thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là: Hoạt động của Mặt trận phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, đường lối, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Cán bộ Mặt trận phải gắn bó, sâu sát với nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận các cấp phải thực sự nói lên tiếng nói của cơ quan đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phương thức hoạt động của Mặt trận cần không ngừng đổi mới, đa dạng, linh hoạt; xác định nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động chủ yếu; chú trọng phát triển, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới.
Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Nhà nước để đảm bảo về cơ chế, chính sách và điều kiện hoạt động; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên để tăng cường sức mạnh tổng hợp; tạo điều kiện nâng cao năng lực hoạt động, uy tín của đội ngũ cán bộ, bởi đây là nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Mặt trận.
5 TRỤC TRỌNG TÂM CỦA CÔNG TÁC MẶT TRẬN
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: Với tinh thần đổi mới xuyên suốt, nhất quán, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX có chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”. Từ mục tiêu xuyên suốt của Đại hội, nhiệm vụ của Mặt trận nhiệm kỳ 2019 - 2024 được xác định xoay quanh 5 trục trọng tâm.
Thứ nhất, đó là tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.
Nhiệm vụ chính tiếp theo là vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế quốc gia, cải thiện, nâng cao toàn diện chất lượng đời sống nhân dân.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, đồng thời tạo môi trường để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tổ chức Mặt trận các cấp sẽ tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cán bộ Mặt trận tiếp tục hoàn thiện theo hướng trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân.
Với quyết tâm đổi mới, đồng chí Trần Thanh Mẫn tin tưởng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong củng cố, mở rộng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Theo chinhphu.vn