Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 4/1/2019 10:28'(GMT+7)

Vận dụng quan điểm của Lênin đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Sáng 13/11/2018, trình bày trước Quốc hội báo cáo tình hình kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, khẳng định: các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng: chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại.

Chúng lợi dụng “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[1].

Chúng đã lợi dụng và sử dụng “những hạn chế, khuyết điểm mà Đảng ta đã tự đánh giá” nhằm khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ lôi kéo kích động giữa nhân dân với Đảng, làm “trầm trọng thêm” tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng bằng các quan điểm sai trái thù địch là một âm mưu thâm độc, là nội dung cơ bản trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; lực lượng phản động, cực đoan của người Việt ở nước ngoài nhằm lôi kéo, kết hợp với bộ phận cơ hội chính trị, bất mãn trong nước và những đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đó có những cán bộ từng giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đã thoái hóa, biến chất; có cả cán bộ, đảng viên, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ đã có những phát ngôn, thể hiện quan điểm điểm sai trái, đi ngược lại với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thậm chí thù địch.

Các thế lực đã viết sách, báo, sản xuất băng hình nhằm bôi nhọ các lãnh tụ của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; chúng gia tăng các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng nhiều đài phát thanh, truyền hình bằng tiếng Việt, nhiều ấn phẩm, tạp chí, hàng ngàn blog, website. Và đặc biệt, gần đây chúng đã tận dụng, khai thác triệt để Internet và mạng xã hội “lan truyền thông tin tiêu cực, xấu độc, làm nhiễu loạn thông tin”

Vào đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin đã viết bài “Một vụ săng-ta chính trị” trên báo Người vô sản đăng số 10, ngày 6 tháng 9 năm 1917 nhằm đấu tranh chống lại bọn săng-ta chính trị, mục đích của bọn phản động này là: bịa đặt, dọa dẫm, vu khống Đảng và các lãnh tụ của Đảng, đặc biệt là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, bảo vệ Đảng trong những thời khắc khó khăn khi mà các lực lượng đối lập, thù địch bôi nhọ Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng nhân dân, giai cấp công nhân với nông dân và trí thức, V.I.Lênin đã viết: “chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”[2]. Trước “phút giao thừa” của cuộc cách mạng quyết tâm “bảo vệ năng lực công tác của đảng ta, bảo vệ các lãnh tụ của đảng”[3].V.I.Lênin đã kêu gọi toàn thể đảng viên nâng cao nhận thức,cảnh giác trước các âm mưu, chia rẽ nội bộ và hãy đoàn kết, siết chặt đội ngũ, tin tưởng vào tư cách của một đảng chân chính cách mạng và bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác, bảo vệ các lãnh tụ của Đảng.

Ngoài các thế lực thù, địch còn một lực lượng nữa đó là chủ nghĩa cơ hội cũng nguy hại rất lớn, chúng tác động làm suy yếu của tổ chức từ bên trong, chúng đã và đang xuất hiện cũng hết sức tinh vi. Vì thế,  Ph.Ăngghen đã nói rằng chủ nghĩa cơ hội biến chủ nghĩa Mác thành một thứ “chủ nghĩa Mác” bị xuyên tạc méo mó[4]. Thực chất chủ nghĩa cơ hội là thù địch của chủ nghĩa Mác-Lênin: bản chất của nó là sẵn sàng hy sinh lợi ích cơ bản, để đạt lợi ích trước mắt; chủ trương hành động vô nguyên tắc (phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng). V.I.Lênin khẳng định chủ nghĩa cơ hội “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”[5]. Nguy hại của chủ nghĩa cơ hội trong Đảng là họ sẵn sàng thỏa hiệp chính trị. Ngoài ra, V.I.Lênin cho rằng họ hiểu chủ nghĩa Mác một cách không có hệ thống. Và do vậy, họ luôn “nhảy từ một cực đoan bất lực này sang một cực đoan bất lực khác”[6]. Những kẻ cơ hội chủ nghĩa rất tinh vi và xảo quyệt, Lênin đã nhắc nhở: “bổn phận của chúng ta, nếu chúng ta vẫn muốn còn là những người xã hội chủ nghĩa, là phải đi sâu, đi sát hơn vào quần chúng thật sự: đấy là toàn bộ ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội và toàn bộ nội dung cuộc đấu tranh đó”[7]

“Điều rất cần thiết hiện nay là, về mặt tổ chức, phải hoàn toàn tách hẳn những phần tử cơ hội chủ nghĩa ấy ra khỏi các đảng công nhân”[8] dù cho bản thân đảng có “phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”[9].

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”[10]. Đây chính là chủ nghĩa cơ hội rất ngang nhiên.

Vì vậy, đứng trước những thực tế trên, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên phải:

Một là, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được bổ sung và phát triển trên cơ sở những thành tựu mới của khoa học và thực tiễn cuộc sống, đó là cách duy nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. V.I.Lênin đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống[11].

Như vậy, bất cứ giai đoạn nào kể từ khi chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời và là nền tảng tư tưởng của các Đảng Cộng sản nói chung và của Đảng ta nói riêng cũng là mục tiêu phá hoại của các thế lực thù địch. Họ sẵn sàng bịa đặt, nói xấu, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ, đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa biến chất; phủ nhận công lao của Đảng, quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm về cho Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy hiện tượng thay cho bản chất.

Ngày nay, khi đất nước chúng ta đang có hòa bình sau bao nhiêu năm hy sinh của toàn dân tộc mới có được, có những người đã được dân đùm bọc, cưu mang, có những trí thức (không tham gia kháng chiến chống Mỹ) du học trở về, nay rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cùng hùa với những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, đi ngược lại lịch ích dân tộc. Vì vậy, cần nhận thức rõ rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là “cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta”[12]

Hai là, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân để xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng

Xây dựng chỉnh đốn Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong sáng về đạo đức, chuẩn mực về tác phong thì mỗi tổ chức Đảng trong toàn Đảng, mỗi cán bộ đảng viên và cấp ủy các cấp đặc biệt người đứng đầu cấp ủy phải thực sự bản lĩnh về chính trị, tư tưởng, giữ nghiêm kỷ luật của tổ chức và gương mẫu về lối sống, có một nhân cách cao thượng, bao dung, vị tha, thân ái, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, là cách bảo vệ và tự bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng, thì không một thế lực nào có thể công phá được, vừa hợp lòng dân, đó là vấn đề then chốt về xây dựng Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, là phương thức hữu hiệu nhất  làm các thế lực thù, địch tự thất bại. Bởi nguyên tắc của cổ nhân đã đúc kết đó là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đất nước chúng ta đang hội tụ cả sáu chữ đó, yếu tố cuối cùng quyết định vận mệnh của Đảng là phải chiếm được nhân hòa, ai chiếm được nhân hòa (lòng dân) người đó có được thiên hạ. Nhân dân ta hơn 88 năm qua đã trao sứ mệnh lịch sử cho Đảng dẫn dắt đất nước ta tiến cùng thời đại, mỗi bước đi của dân tộc đều gắn với vai trò của Đảng, vậy mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhìn lại nghìn xưa, nhìn lại những gì cha ông ta, từ truyền thống tới hiện tại đã dựng xây non sông Việt Nam từng bước tiến cùng loài người làm rạng rỡ tiền nhân mà hãy đoàn kết “một lòng phụ tử” giữ vững bên trong mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức là giải pháp của giải pháp trong đấu tranh chống các thế lực, thù địch chống phá Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ba,  tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cảnh giác về những thông tin vu khống, bịa đặt của các thế lực thù địch bôi nhọ, chia rẽ các lãnh tụ, lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng

Các Mác là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mười thế thế kỷ qua do chính các nhà khoa học viện Hoàng gia Anh bình chọn, chỉ cần thế là đủ để khẳng định rằng, ngay cả người tư sản luôn tôn trọng Mác, dành cho Mác một vị trí vĩ đại ứng với những gì Mác đóng góp cho cho giai cấp công nhân và nhân lao động và nhân loại trên toàn thế giới nói chung.

Tháng 4 năm 1993, tại Hoa Kỳ có một cuộc hội thảo với đề tài: Chủ nghĩa Marx đi về đâu? (Whither Marxism?), do Jacques Derrida (1930-2004) đã trình bày trong hai buổi một thuyết trình: Những bóng ma của Marx. Một trong những quan điểm của cuộc hội thảo là: “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”[13] và các học giả tư sản cho rằng hãy “trở về với Mác”, “nhân loại không thể thiếu Mác”. Như vậy chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là hệ tư tưởng tiến bộ nhất đang tiếp tục dẫn dắt nhân loại như Giắc-cơ Đê-ri-đa đã khẳng định.

Bốn làđấu tranh phản bác, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Tác động của cuộc cách mạng 4.0 (The Fourth Industrial Revollusion) tới tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, có cả những tác động tích cực và có cả những mặt không tích cực. Mặt tiêu cực đây chính là các thế lực, thù địch lại đang sinh sống ở những nơi, những nước phát triển nhất của thế giới, nắm trong tay công nghệ, chúng lợi dụng cuộc cách mạng này vào mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và sự bình yên của nhân dân. Đây chính là một thách thức không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống lại những “thông tin độc hại trên mạng”…Với lượng thông tin khổng lồ chống, phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, thì việc tiếp cận thông tin thiếu định hướng sẽ dễ dẫn đến mất phương hướng, rơi vào cực đoan khi bị tác động của các hệ tư tưởng phản tiến bộ.

Vì vậy, thứ nhất, toàn Đảng, tổ chức đảng các cấp, các ngành, các lực lượng phải tự nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nâng cao dân trí giúp cho cán bộ, đảng viên và người dân ứng dụng được công nghệ cao và tiếp cận được thông tin - một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là quyết định trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai, trái của các thế lực phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ nhận thức đến năng lực làm chủ công nghệ, đủ năng lực để phân biệt được đúng, sai, tránh tình  trạng người dân bị lợi dụng, kích động, dẫn tới những hành vi cực đoan.

Thứ hai, phát huy vai trò của Nhà nước trong đấu tranh, đòi hỏi sự tham gia góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo. Nhà nước không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với đó Nhà nước phải kiên quyết, ngăn chặn các hành vi vi phạm của cán bộ nhà nước lợi dụng chức quyền vi phạm quyền tự do, quyền làm chủ của nhân dân, thì người dân sẽ tin tưởng vào chính quyền, họ sẽ bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình góp phần bảo vệ Đảng.

Năm, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lấy lại niềm tin của dân là cách bảo vệ Đảng và nền tảng tư tưởng của Đảng hữu hiệu nhất

Tham nhũng của một bộ phận cán bộ lợi dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản, tiền của Nhà nước, tổ chức và công dân. Cách đây 24 năm, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (20-25/1/1994), Đảng ta coi tham nhũng, lãng phí là một trong bốn nguy cơ, nhưng nay nó đã trở thành hiện hữu như “cơn bão” cấp 12 tàn phá nền kinh tế, làm “biển động” “lòng người” của một bộ phận cán bộ có chức có quyền rơi vào suy thoái, hủ hóa. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) Việt Nam xếp thứ 107/180 về chỉ số tham nhũng Việt Nam tiếp tục nằm trong số các nước có tình trạng tham nhũng cao trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng 2017 công bố ngày 22/2/2017[14].

Cuộc chiến chống quan liêu, tham nhũng là quyết tâm của toàn Đảng, được nhân dân ủng hộ, chúng ta hãy tin tưởng vào “trí tuệ, lương tâm và danh dự” của Đảng nhằm ngăn chặn những biểu hiện, hành vi của những cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, đưa ra khỏi Đảng những cán bộ tham nhũng, như V.I.Lênin đã từng nói tham nhũng là cặn bã của nhân loại, cần phải tống cổ ra khỏi đảng, bỏ tù, thậm chí xử bắn để làm gươngLàm cho cơ thể của Đảng khỏe mạnh ngày càng ít vi trùng hơn.

Người bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quần chúng nhân dân, cho nên đấu tranh chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, cần phải phải có sự thống nhất cao trong toàn Đảng về tầm quan trọng của vấn đề này, phải tiến hành từ trên xuống như một cuộc chiến đấu chống lại cái ác.

Tham nhũng là kẻ thù, là tội ác đối với xã hội, cho nên trong cuộc chiến chống lại cái ác cần phải giám sát chặt chẽ, “chủ nhân” của sự giám sát ấy là “toàn dân” dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cuộc chiến đấu này, Đảng phải dựa vào dân, tập hợp lòng dân; trong cuộc chiến đó không phép được mềm yếu, do dự, “lò đã nóng”, “củi đang cháy”, “bếp đang rực hồng”, nếu không đấu tranh phòng, chống cái các ấy là có lỗi với dân. Lênin viết: “Bọn nhà giàu và bọn ăn cắp là hai mặt của một tấm huân chương, đó là hai loại ăn bám chủ yếu…đó là kẻ thù chủ yếu của chủ nghĩa xã hội. Những kẻ thù đó, cần phải có sự giám sát đặc biệt của toàn dân đối với chúng. Bất cứ một sự mềm yếu nào, bất cứ một sự do dự nào, bất cứ một sự thương hại nào về mặt này đều là tội ác tày trời đối với chủ nghĩa xã hội”[15].

PGS.TS. Lê Trọng Hanh

Ths. Nguyễn Thị Lam

 Học viện Chính trị Công an Nhân dân

 



[1] Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

[2] V.I.Lênin, toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1976, t.34,tr.22

[3] Sđd, t.34, tr.23.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, NXB CTQG, HN.1997, tập 22, tr.113

[5] Sđd., t.6, tr.239

[6] Sddt.20, tr.78

[7] Sđd.,tập 30, tr.229

[8] Sđd., tập 26, tr.327

[9] Sđd., tập 27, tr.154

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.195

[11] V.I.Lênin. Sđd., t.4, tr.232.

[12] Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, tháng 12-2016

[13] Giắc-cơ Đê-ri-đa: Những bóng ma của Mác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.16

[14] https://towardstransparency.vn/vi/chi-so-cam-nhan-tham-nhung

[15] Sđd, tập 35, tr.241

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất