(TG)-Sự có mặt của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc đã hơn chục thế kỷ, ở Điện Biên, dân tộc Thái chiếm trên 38% đông nhất, so với các dân tộc trong tỉnh. Đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở hầu hết các huyện, thị, thành phố, nếu ở thôn bản chủ yếu là ở nhà sàn, mỗi bản có 60 – 70 hộ, thường sống dọc theo các con suối, nguồn nước. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày – Thái. Người Thái có 2 nhóm là Thái đen và Thái trắng.
Phụ nữ Thái với bộ y phục đẹp và độc đáo. Chiếc áo cóm bó sát người được đính hàng cúc bướm bằng bạc. Chiếc váy dài chấm gót, đầu đội khăn piêu tạo nét duyên dáng cho người phụ nữ. Lúa nước là nguồn lương thực chính. Sản phẩm nổi tiếng là vải thổ cẩm với hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, đệm bông lau bền, đẹp. Dù trong thời hội nhập, nhưng ngày nay phần đông các cô gái Thái vẫn duyên dáng, miệt mài bên khung cửi truyền thống. Người con gái Thái đen khi đã lấy chồng phải “tằng cẩu” (búi tóc lên đỉnh đầu), còn với phụ nữ Thái trắng thì không như vậy.
Một du khách nói vui với tôi rằng: "Đến Điện Biên Phủ mà chưa được thưởng thức Xôi ngũ sắc và món cá nướng (pa pỉnh tộp) của đồng bào Thái , thì coi như là chưa đến Điện Biên."
Văn hóa ẩm thực đồng bào Thái có sự phân chia rõ ràng trong cách gọi như: “kăm khảu” gồm các món ăn từ lúa, gạo và các loại lương thực khác. Đặc trưng là xôi nếp ngũ sắc (đỏ, tím, vàng, xanh, trắng), sử dụng bằng màu cây lá tự nhiên, đem giã lấy nước rồi ngâm cùng với gạo nếp, sao đó cho vào chõ đồ lên thành sôi. Đây là món ăn được coi là đặc sản ẩm thực của vùng Điện Biên không có nơi nào có được. Trước đây, xôi ngũ sắc chỉ được làm vào những ngày lễ, tết, cưới, hỏi hay ngày hội lớn. Giờ đây trở thành món ẩm thực phổ biến trong đời sống của đồng bào và khách đến du lịch. Xôi ngũ sắc mang ý nghĩa, tượng trưng cho khát vọng, tình yêu và sự thủy chung. Thưởng thức món ăn ngon, thơm, đẹp mắt này mới thấy sự tinh túy, cùng cảm nhận hương thơm ngào ngạt từ loại gạo nếp đặc biệt - nếp Điện Biên. Nhiều bè bạn, du khách lên Điện Biên khi về không quên mua chục kí gạo nếp Điện Biên để làm quà cho người thân.
Ngoài xôi nếp ngũ sắc, còn có bánh chưng đen, bánh chưng cẩm, cơm lam. Riêng cơm lam là đặc sả, với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi.
Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị chéo, đậm đà. Với món (Kăm kìn) là các món ăn làm từ rau, củ, quả, từ thủy, hải sản và thịt động vật. Đặc trưng là rau thập cẩm xôi, nộm (phắc nửng chụp), cá nướng (pa pỉnh tộp), thịt sấy (nhứa giảng), thịt gói lá nướng (nhứa pho), trứng kiến, rêu đá. Các món ăn nộm là các gia vị và món ghém với đặc trưng là hạt sẻn, hạt dổi, ớt, hành, tỏi và các lá non ăn ghém. Món “Kăm chẳm” là các món chấm, đặc trưng là chẳm chéo, mắm cá, các loại nước chấm chua...
Dân tộc Thái ưa các món nướng gồm: thịt trâu, bò, cá, gà tẩm, tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ sau đó đem nướng. Trong đó phải nói tới món cá nướng (pa pỉnh tộp) là món ấn tượng, ngon nhất thể hiện sự quý trọng với mỗi du khách khi đến thăm nhà. Với nguyên liệu chính là cá chép (pa pỉnh tộp) chừng khoảng 7- 8 lạng đến trên 1 kg, mổ dọc sống lưng cá. Dùng dao khía ngang thân cá để gia vị ngấm đều. Để có pa pỉnh tộp ngon thơm , cùng với rau thơm, ớt, hành củ, thêm chút muối và “mắc kén” - hạt tiêu rừng của đồng bào Thái. Đây là thứ gia vị không thể thiếu. Khi các loại gia vị đã trộn đều, gập cá lại để cho phần đầu và phần đuôi chụm lại với nhau. Sau đó, kẹp cá bằng những chiếc kẹp nứa và nướng trên bếp than hồng...
Món ăn rêu đá, rêu đá có màu xanh lục, mọc bám vào những tảng đá chìm trong khe suối. Để lấy rêu đá ta phải gỡ rêu, vừa đập vừa rũ rêu, làm cho trôi hết cát. Sau đó, nắm thành từng nắm mang về để tươi hoặc phơi khô ăn dần tùy theo gia chủ.
Mâm cơm tiếp khách bày lên với màu sắc bắt mắt, các món ăn ngon, hấp dẫn cùng mùi thơm đặc trưng hòa quyện với nhau, khiến thực khách ngất ngây. Mỗi món ăn là sự tinh tế, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Thái, cùng tình cảm nồng ấm, tấm lòng mến khách chân thành, hiền lành, mộc mạc của con người miền sơn cước./.
Đỗ Quang Khải