Tuần qua, nổi cộm nhất và được đề cập nhiều nhất chính là văn hóa cổ vũ trong bóng đá. Cùng một cái sân, nhưng nếu ở Cúp QG đội khách bị nhạo báng bằng hai chiếc đầu chó quẳng xuống sân thì ở AFC Cup những khán giả Việt Nam phải xấu hổ với nhóm khán giả Thái Lan cổ vũ rất chuyên nghiệp và có văn hóa…
Nghệ sĩ Đức Trung là một trong những người tham gia vào hội CĐV Thể Công và cũng từng là thủ lĩnh trong nhóm CĐV Việt Nam đi cổ vũ cho ĐTVN đã than phiền về văn hóa cổ vũ mà ông trực tiếp chứng kiến. Chính nghệ sĩ này đã chỉ ra những tồn tại ở các hội cổ động những đội bóng đó là không phải ai đến sân cũng là CĐV bởi thực chất có người được thuê đến để cổ vũ cho đội này, đội nọ…
Hội thực sự, hay tự phát không người quản?
Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp từ 8 mùa qua, nhưng phần quan trọng gắn liền với CLB là Hội CĐV lại chưa thể chuyên nghiệp vì tính tự phát và vì cách làm không đồng bộ. Chẳng hạn ở Nghệ An có hai hội CĐV “kình” nhau cho dù họ cùng cổ vũ cho đội SLNA. Thậm chí là có lúc hội này nói ngược với hội kia và khích bác nhau thao kiểu "khẩu khí bên nào lớn, bên đó giành phần trội".
CLB TP.HCM thì từ ngày đổi tên đội bóng, "khai tử" chữ Cảng Sài Gòn thì không còn fan ruột nữa mà toàn đội ngũ được thuê, ăn mặc tươm tất như đi hội cầm bảng, cầm banderole theo yêu cầu, chứ không phải vì đội bóng và "sống chết" cho đội bóng. Thể Công thì chuyên nghiệp hơn với nhóm, hội có thể hội viên cho dù bước đầu họ cũng gặp không ít rắc rối. Duy nhất là Bình Dương có một hội CĐV chuyên nghiệp với những tour đi cổ vũ ở sân khách và kế hoạch tiếp đón ở sân nhà đàng hoàng. Dù rằng cái tổ chức này có sự can thiệp của những nhà chuyên thiết kế tour kết hợp với kinh doanh, nhưng cái chính là tổ chức ấy được công nhận như một phần của đội bóng. Bằng chứng là khi đội đá AFC Cup ở nước ngoài, họ cũng đồng hành với đội bằng đồng tiền riêng của mình.
Nhưng gây phiền nhất và mệt mỏi nhất trong thời gian qua là các CĐV của XM.Hải Phòng và Hà Nội.ACB dù những vụ việc xảy ra liên tục, lãnh đạo của hai nhóm CĐV trên đều khẳng định “Những người gây tiếng xấu không phải là CĐV của chúng tôi!” (!?).
Cổ động viên XM Hải Phòng
Gần khu VIP nhất lại là nơi vô văn hóa nhất
Sau hàng loạt những vụ việc liên quan đến CĐV gây rối, VFF chặt chẽ hơn trong các quy định về luật trong đó phân luồng rõ ràng CĐV nhà và CĐV khách và cứ sân nhà không đảm bảo những công tác an toàn, an ninh trật tự là mọi cái đều lĩnh đủ hết.
Thực tế thì khi đưa ra những quy định trên, VFF không chế luật mà là hoàn chỉnh thêm về các quy định của bóng đá chuyên nghiệp qua các bước tham khảo những quy định của FIFA, AFC về bóng đá chuyên nghiệp. Chỉ có điều ở ta phần hội nằm trong đội bóng rất nhỏ, thậm chí là không có, còn phần tự phát thì nhiều vô kể, trong đó có cả ham vui và ăn theo bóng đá để "quậy" chứ không phải vì yêu bóng đá, yêu đội bóng. Cũng có những thành phần đến sân không phải vì đội bóng mà vì những mục đích riêng với suy nghĩ ở đấy muốn chửi ai thì chửi bởi chẳng ai làm gì mình (!?).
Văn hóa cổ vũ trên các sân bóng đang bị lạm dụng vì những kẽ hở mà khi phát triển bóng đá chuyên nghiệp đa phần chỉ chú trọng vào phần vỏ ở đội bóng chứ không có những đồng bộ cần và đủ của một CLB liên quan đến Hội CĐV.
Nếu ở những sân cỏ khác, khu vực VIP thường là khu vực nghiêm túc thì sân Hàng Đẫy càng gần khu VIP lại càng có nhiều thành phần ở đẩu ở đâu đến sân bằng những chiếc vé mời và mặc sức chửi bới với những lời lẽ thật khó nghe. Vừa qua, chính ông Trưởng giải kiêm Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn đã nghe trọn và xem trọn kiểu cổ vũ mà ông nói là không thể chấp nhận được.
Cũng ở cái sân này và cũng ở gần khu VIP, không ít quan chức VFF đi xem bóng đá phải bỏ về vì nghe chửi nhiều quá, trong đó không chỉ chửi cầu thủ, chửi đội bóng mà còn chửi cả các cán bộ làm việc ở VFF.
“Vụ án đầu chó” xảy ra ở sân Hàng Đẫy được lãnh đạo đội Hà Nội. ACB khẳng định là không phải CĐV của mình, nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn không phải là tranh cãi xem cái đầu chó ấy là của CĐV, hay không phải CĐV, mà là vì sao cái đầu chó ấy lăn lóc và nằm khơi khơi ở đường piste lẫn trên rìa cỏ mà không ai có trách nhiệm ngăn nó từ đầu (nằm trong quy định tổ chức), hoặc giải quyết hậu quả ngay khi xảy ra.
Cùng ngày cái công văn kỷ luật treo sân Hà Nội.ACB được ban hành thì tại AFC Cup trong trận Hà Nội ACB tiếp Chonburi, những người cổ vũ bóng đá chân chính vẫn thấy khó chịu với những lời chửi bởi của những khán giả ngồi gần khu VIP, trong đó có cả việc xúc phạm đến những thần tượng của cầu thủ Thái và người Thái.
Ngược lại, nhóm khán giả ít ỏi đến từ Thái Lan có mặt ở sân Hàng Đẫy cổ vũ đội nhà rất chuyên nghiệp với nhịp vỗ tay và những tiếng hô đồng thanh tiếp sức cho cầu thủ Chonburi thi đấu. Họ biến cái sân khách thành cái sân nhà của mình dù chỉ có một nhóm ít người biết cổ vũ và hết lòng yêu đội bóng, vì đội bóng.
Hai hình ảnh trái ngược của hai nền bóng đá cho thấy một nghiệm số qua việc phát triển chưa đồng bộ của một nền bóng đá được gọi là chuyên nghiệp và từng vỗ ngực tự hào "V-League là số 1 Đông Nam Á".
Vấn đề cũng nên đặt ra là trong cái danh "số 1 Đông Nam Á" ấy cũng cần phải tìm hiểu thực thụ xem bao nhiêu là CĐV thực sự vì đội bóng và bao nhiêu đến sân để phá phách, hủy hoại bóng đá.
Bóng đá là một phần của xã hội và cái cách cổ vũ bóng đá cũng phản ảnh rất nhiều từ cái xã hội thu nhỏ ấy. Tiếc là những nhà làm bóng đá dù rất công phu với quy định, với điều lệ, nhưng chưa thể sàng lọc ra được ai cổ vũ cho bóng đá và ai mượn danh cổ vũ bóng đá để phá hoại.
Học hỏi các CĐV trong khu vực
Thể thao giúp mọi người gần nhau hơn nên cổ vũ cũng phải thế!
Tại SEA Games 22 và Para Games do Việt Nam đăng cai, hình ảnh một nhóm CĐV Thái Lan sôi động trên khán đài có tổ chức dưới sự hướng dẫn của hai thành viên Bucha Khamthon và Samart Khunsawat. Đây là hai trong số những hoạt náo viên được chính phủ Thái Lan công nhận và họ cũng là lãnh đạo trong nhóm CĐV có tổ chức với tiêu chí mang hình ảnh thân thiện và cổ vũ có văn hóa của đất nước Thái Lan đi khắp mọi nơi đến với bè bạn khu vực.
Để đến Việt Nam, họ phải tìm hiểu rất nhiều về văn hóa Việt Nam lẫn học tiếng Việt Nam và thuộc cả các bài hát của SEA Games 22 tại Việt Nam. Chẳng hạn anh bạn Bucha Khamthon đến giờ khi gặp các CĐV Việt Nam bên đất nước mình vẫn vui vẻ hát bài “Vì một thế giới ngày mai”, hoặc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và sẵn sàng ngồi cùng với các CĐV Việt Nam như anh em trong nhà.
Theo các hoạt náo viên này thì không việc gì là không có thể làm được nếu hiểu văn hóa của nhau và luôn vui vẻ với nhau vì tinh thần thể thao giúp người ta gần gũi với nhau hơn, thể hiện những điều lành mạnh, vui tươi, chứ không phải là bức tường ngăn cách giữa nhóm này và nhóm nọ.
Có lẽ đây cũng là điều để chúng ta học hỏi và mang lại niềm vui, nui cười đến với nhau trên các sân thi đấu với một tiêu chí đúng tinh thần thể thao.
|
(Theo thethaovanhoa)