Thứ Sáu, 20/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 18/9/2018 16:50'(GMT+7)

Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

(Ảnh: DP)

(Ảnh: DP)

Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa, trong phát biểu khai mạc Hội thảo nêu rõ: Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá quốc gia. Đội ngũ doanh nhân luôn đóng vai trò nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển tiềm lực kinh tế quốc gia, nâng cao chỉ số cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng. Chưa bao giờ, các doanh nghiệp, doanh nhân được quan tâm nhiều như hiện nay. Cũng chưa bao giờ vấn đề văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh lại được chú trọng đến vậy. Bởi đó chính là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 33 Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước" đã chỉ rõ: "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế".

Tại Hội thảo, các đại biểu là doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và văn hóa đã thảo luận, đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp; tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phi pháp, phi văn hoá...

Đề cập tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, PGS. TS.  Đỗ Minh Cương, Viện Văn hóa kinh doanh (Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam) cho rằng, các cuộc cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp đều mang tới cho nhân loại cả cơ hội phát triển lẫn thách thức, song thực tiễn lịch sử cho thấy phần cơ hội, khả năng phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên, sự thành công, phát triển còn phụ thuộc chủ yếu vào tầm nhìn và quyết tâm thực hiện đổi mới, sáng tạo của các chủ thể, trung tâm là các doanh nghiệp và người dân.

Theo PGS. TS. Đỗ Minh Cương, việc xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam trong tương lai cũng phải được kiến tạo, chuẩn hóa theo các nguyên tắc gồm: tăng cường giao tiếp, tương tác; minh bạch thông tin; công nghệ hỗ trợ; phân quyền ra quyết định. Đặc biệt là phải chú ý tới quan điểm, thái độ và cách tiếp cận về sự đầu tư, phát triển công nghiệp và nền kinh tế 4.0.

Theo ông Phạm Đức Bình, CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam: Doanh nghiệp, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải được coi là một đòi hỏi tất yêu, nếu muốn phát triển bền vững. Chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mắt mà không quan tâm đến tính bền vững của hình ảnh, thương hiệu sẽ là sự "đứt gãy" trong quá trình phát triển.../.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất