Thứ Tư, 25/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 13/5/2015 18:12'(GMT+7)

Văn hóa tôn giáo với phát triển bền vững ở Việt Nam

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Văn hóa tôn giáo với phát triển bền vững ở Việt Nam". GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ vai trò của văn hóa - tôn giáo với sự phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay; góp tiếng nói cũng như luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Lý luận chung về văn hóa tôn giáo và phát triển bền vững; vai trò của văn hóa tôn giáo với một số phương diện của đời sống xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường thiên nhiên; giá trị văn hóa nổi bật trong một số tôn giáo cụ thể với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.

Các ý kiến đã khẳng định, lý luận và thực tiễn cho thấy, tôn giáo là một hình thái văn hóa đặc thù, luôn có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Mối dây liên hệ giữa tôn giáo với sự phát triển của kinh tế, chính trị, khoa học/triết học, văn hóa-nghệ thuật… không thể không thừa nhận. Giải phóng con người khỏi sự đói nghèo, ách áp bức, bất công và phân biệt chủng tộc là khát vọng và lý lưởng mà tôn giáo đưa đến từ rất sớm.

Tôn giáo cũng từng là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm kiến trúc hội họa, âm nhạc, thơ ca. Tôn giáo cũng cố gắng nỗ lực trong việc cải thiện các định chế xã hội và những hệ lụy do các định chế kinh tế, chính trị, xã hội gây ra.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Tọa lạc giữa ngã ba Đông Nam Á, trong lịch sử phát triển, nền văn hóa dân tộc Việt Nam đã giao lưu, du nhập và tiếp biến nhiều nền văn hóa và tôn giáo cả phương Đông lẫn phương Tây. Trong lịch sử, các tôn giáo đã hòa đồng, khoan dung với hệ thống tín ngưỡng truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa dân tộc, góp phần hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Với các giá trị nhân văn, nhân bản do con người sáng tạo trong hoạt động tôn giáo như tinh thần bác ái, từ bi, hỷ xả, khuyến thiện trừ ác. Văn hóa tôn giáo đã chi phối sâu sắc đạo đức, lối sống của người dân đất Việt. Văn hóa tôn giáo làm giàu có, phong phú thêm các giá trị văn hóa của dân tộc như ngôn ngữ, thi ca, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa, yêu cầu phát triển bền vững được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết. Sự phát triển mà chúng ta theo đuổi cần đảm bảo tính hài hòa, bền vững trên cả ba mặt kinh tế - xã hội và môi trường theo nguyên lý ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế - Bình đẳng và công bằng xã hội – Đảm bảo môi trường.

Mưu cầu hạnh phúc cho con người, đem đến cho con người sự tự do, thăng tiến và phát triển toàn diện về vật chất, tinh thần và môi trường sống an toàn là mục tiêu mà các tôn giáo chính và xã hội thế tục cùng hướng tới. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, một vài yếu tố của văn hóa tôn giáo còn có những biểu hiện dễ bị hiểu lầm hoặc dễ bị lợi dụng để thực hiện những mục tiêu không trong sáng, không có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước. Sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào đời sống xã hội có thể trở thành một nguồn lực xã hội quan trọng, nhưng cũng có thể trở thành nguy cơ của các xung đột xã hội. Việc khai thác nguồn lực xã hội tiềm năng của các tổ chức tôn giáo cho sự phát triển bền vững của đất nước là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho nghiên cứu tôn giáo đương đại.

Trong thời kỳ hội nhập, giao lưu quốc tế và kinh tế thị trường như hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đang và sẽ trở thành một nguồn lực vật chất và tinh thần để phát triển xã hội, đóng góp vào các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cộng đồng trách nhiệm với toàn thể dân tộc trong phát triển bền vững đất nước. Văn hóa tôn giáo thấm đẫm trong tâm thức, điều chỉnh hành vi, lối sống, đạo đức của tín đồ tôn giáo. Tôn giáo đã tác động, ghi dấu ấn văn hóa của mình lên các loại hình văn hóa dân tộc nói chung và nghệ thuật dân tộc nói riêng, trong các hình thức văn hóa vật thể, phi vật thể với những nghi lễ, điệu múa, nhạc lễ, kinh sách, cong trình kiến trúc, điêu khắc. Văn hóa tôn giáo hiện diện trong đời  sống kinh tế, chính trị - xã hội đất nước. Từ đó, góp phần tham gia tạo nên sự đồng thuận hòa hợp xã hội, các đoàn thể dân tộc, bình đẳng giới, trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong giải quyết an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

Vì vậy, cần phát huy nguồn lực văn hóa tôn giáo vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước, đi đoi với việc quản lý giảm thiểu những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, cản trở cho sự phát triển là việc làm cần thiết.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất