Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 18/3/2022 14:25'(GMT+7)

Văn học dân tộc thiểu số góp phần làm giàu có văn học Việt Nam

Các nhà văn tham dự trại sáng tác do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức năm 2018, tại Kon Tum. (Ảnh: Vân Hà)

Các nhà văn tham dự trại sáng tác do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức năm 2018, tại Kon Tum. (Ảnh: Vân Hà)

Chỉ khi nền văn học đa ngôn ngữ chứa đựng đa giọng điệu, đa biểu đạt mà hướng tới mục tiêu vì đất nước, vì dân tộc, tôn vinh những giá trị chân-thiện-mỹ, đó mới thực sự là một nền văn học giàu có, đầy sức sống.

GẮN BÓ VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG, GẶT HÁI NHIỀU THÀNH TỰU

Đặt nền móng cho văn học các DTTS Việt Nam phải kể đến những tác giả thành danh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thế hệ đầu tiên hầu hết là những trí thức sống gắn bó với quê hương, dân tộc mình, giác ngộ cách mạng, đi theo kháng chiến, gặp gỡ, học hỏi, giao lưu với văn nghệ sĩ người Kinh trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Họ là lớp đầu tiên, đặt nền móng cho văn học DTTS Việt Nam hiện đại. Những tác giả như: Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại (dân tộc Tày), Đinh Sơn (dân tộc Mường), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao), Hoàng Nó (dân tộc Thái), Y Điêng (dân tộc Ê Đê)... xứng đáng được gọi là nhà văn cách mạng tiêu biểu cho văn học DTTS thế kỷ XX.

Ở những giai đoạn tiếp sau, đội ngũ các nhà văn người DTTS ngày càng được bổ sung đông đảo hơn, xuất hiện nhiều tác giả mới với bút pháp vững vàng, vừa dân tộc, vừa hiện đại: Mã Thế Vinh, Hoàng Hạc, Triều Ân, Vi Hồng, Hùng Đình Quý, Kim Nhất, Vi Thị Kim Bình, Bế Thành Long, Lò Ngân Sủn, Vương Trung, Vương Anh, Y Phương, Mai Liễu, Ma Trường Nguyên, Pờ Sảo Mìn, Cao Duy Sơn...

Hiện nay, thế hệ tác giả trẻ có những dấu ấn đáng ghi nhận trong dòng chảy chung của văn học dân tộc: Bế Phương Mai, Nông Quốc Lập, Niê Thanh Mai, Hoàng Chiến Thắng, Phạm Văn Vũ, Nông Quang Khiêm, Lý Hữu Lương...

Từ năm 1945 đến nay, qua hai chặng đường phát triển chính, văn học DTTS có những thành tựu đáng ghi nhận trên nhiều phương diện và cũng có nhiều chuyển biến khác biệt trong cảm hứng. Cách mạng Tháng Tám là mốc son không chỉ trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn mở ra chặng đường mới cho văn học nước nhà. Lớp nhà văn trưởng thành từ thời kỳ này đã tạo nên một lực lượng sáng tác hùng hậu, ôm chứa những nguồn đề tài phong phú của hiện thực cuộc sống và cuộc đấu tranh cách mạng suốt 30 năm. Nông Quốc Chấn được biết đến với "Mưa gió" (năm 1942), "Khóc đồng chí" (năm 1944) nhưng phải tới "Việt Bắc đánh giặc" và "Khâu áo" (năm 1948), "Dọn về làng" (năm 1950) mới thực sự ghi dấu ấn đậm nét. Bài thơ "Dọn về làng" của Nông Quốc Chấn được các nhà nghiên cứu đánh giá: “Xứng đáng ngang hàng những bài thơ xuất sắc trong nền thơ Việt Nam kháng chiến”. Những tác phẩm như: "Ở rừng" (Nam Cao), "Truyện Tây Bắc" (Tô Hoài)... đã truyền cảm hứng và tiếp sức không nhỏ cho ý thức sáng tạo đổi mới của các cây bút người DTTS. Hiện thực cuộc sống và chiến đấu của đồng bào vùng cao được phản ánh một cách đầy đủ và sinh động hơn, dù hầu hết cách khắc họa trong các tác phẩm vẫn mang nét thô mộc, giản dị. Hình thành và phát triển trên cái nền của hiện thực nhiều biến động là cuộc kháng chiến của dân tộc, cùng với đó là sự quan sát, học hỏi từ một nền thơ văn nhiều thành tựu, văn học DTTS khai thác những con người lý tưởng của xã hội mà tiêu biểu nhất, kết tinh trọn vẹn nhất là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thể hiện trong thơ của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu, Hoàng Nó, Lương Quy Nhân, Đinh Sơn, văn xuôi của Y Điêng, Nông Minh Châu...

Sau năm 1975, văn học DTTS có những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về đội ngũ mà còn có những phát triển vượt bậc về chất lượng các tác phẩm, các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc mình. Từ cảm hứng ngợi ca, đề tài chiến tranh cách mạng thì giai đoạn này, những trang viết dành chủ yếu cho quê hương, bản làng thân thuộc và những con người vùng cao bình dị. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI xuất hiện nhiều khuynh hướng, trong đó cảm hứng về những thân phận trong đời sống thế sự; các sáng tác mượn chiến tranh để nói những vấn đề phía sau mang đến những diễn ngôn về nỗi đau, về quyền sống và hạnh phúc của con người. Ngôn ngữ, kết cấu, giọng điệu của nhiều tác phẩm đã vượt lên khỏi sự tả, sự kể đơn thuần để hướng đến sự đa dạng trong cách biểu hiện. Thơ có thể kể đến: Vương Anh với "Rượu mặn", "Lá đắng"; Inrasara với "Sinh nhật cây xương rồng", "Lễ tẩy trần tháng Tư"; Mai Liễu với "Suối làng", "Mây vẫn bay về núi"; Pờ Sảo Mìn với "Cây hai ngàn lá", "Con trai người Pa Dí"; Y Phương với "Tiếng hát tháng Giêng", "Đàn then"; Lò Ngân Sủn với "Những người con của núi", "Chợ tình", "Lều nương"... Văn xuôi có thể kể đến: Hà Thị Cẩm Anh với "Bài xường ru từ núi"; Y Điêng với "Chuyện trên bờ sông Hinh"; Vi Hồng với "Tháng năm biết nói", "Chồng thật vợ giả"; La Quán Miên với "Hai người trở về bản", "Vùng đất hoa cờ mạ"; Ma Trường Nguyên với "Mũi tên ám khói", "Rễ người dài"; Kim Nhất với "Ly hôn", "Luật của rừng"; Cao Duy Sơn với "Chòm ba nhà", "Ngôi nhà xưa bên suối", "Đàn trời"...

4 VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Để văn học DTTS ngày một khẳng định vị thế và phát huy tính độc đáo trong nền văn học Việt Nam, các cơ quan, tổ chức liên quan và bản thân những người sáng tác cần một sự ý thức riết róng hơn nữa.

Thứ nhất, đó là vai trò của việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống. Nhiều đề án về bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS đã được triển khai với mục tiêu huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới mà văn học là một trong những bộ phận chủ lực, chiếm vai trò quan trọng.

Thứ hai, chú trọng những sáng tác song ngữ vì đó là cầu nối quan trọng để những sáng tác đến với đồng bào, đồng thời bồi dưỡng lòng yêu văn hóa quê hương, ý thức lưu giữ giá trị truyền thống. Nhà thơ Nông Viết Toại cho rằng: “Khi con người cảm thấy những thứ ngôn ngữ không còn là nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống hằng ngày thì dù tốn nhiều công sức biểu dương người ta cũng khó lòng tự giữ gìn, phát huy tâm hồn mình với các giá trị văn hóa đó”. Những tác giả như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu, Vương Trung, Y Phương... đã có các sáng tác song ngữ thành công. Thế hệ trẻ hiện nay cũng cần những ý thức sâu sắc về vấn đề này bởi nhà văn bằng mọi con đường cần luôn luôn ý thức về ngôn ngữ để làm phong phú cho ngôn ngữ và văn học nói chung, để ngày càng phát triển ngôn ngữ lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của sáng tác văn học đương đại.

Thứ ba, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các DTTS Việt Nam cần mở các trại viết, lớp bồi dưỡng sáng tác, những hội thảo, hội nghị chuyên đề; phối hợp mật thiết với các hội VHNT địa phương để các hoạt động được tăng cường vừa sâu vừa rộng. Có chính sách đầu tư, khuyến khích người viết để có thêm những sáng tác hay, đặc sắc về chính quê hương, con người dân tộc mình. Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài miền núi, đưa văn nghệ sĩ là người DTTS đi thực tế sáng tác, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để bám sát đời sống đồng bào.

Thứ tư, văn học DTTS ngoài việc cần được tập trung nghiên cứu và giới thiệu nhiều hơn nữa thì công tác bồi dưỡng, phát hiện các tác giả trẻ cần được chú ý và đẩy mạnh trên nhiều phương diện để kế tục, phát huy các thành tựu đã có của thế hệ trước. Thế hệ đặt nền móng và thế hệ sung sức của thế kỷ trước đã hoàn thành sứ mệnh một cách xuất sắc, những tác giả của thời kỳ đương đại, đặc biệt là lứa tác giả trẻ "7X, 8X" đang trên đà khẳng định mình và một lứa các cây viết thế hệ "9X" đang tiếp nối bước chân của bậc cha anh. Giai đoạn hiện tại, các trại sáng tác do Hội VHNT các DTTS Việt Nam tổ chức, các cuộc hội thảo, tọa đàm, các ấn phẩm công bố và trao đổi sáng tác đã và đang làm tương đối tốt việc phát hiện và khơi dòng cho những sáng tác trẻ người DTTS; đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kết nối trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các tác giả cùng thế hệ và khác thế hệ với nhau.

Trải qua gần một thế kỷ phát triển, văn học hiện đại các DTTS có đóng góp đáng kể, đó là sự độc đáo trong bản hợp xướng đa thanh của văn học Việt Nam. Văn học DTTS và văn học người Kinh không còn nhiều đường biên khi đều là những bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam, người dân tộc sáng tác ở miền xuôi và người miền xuôi sáng tác tại dân tộc ngày càng phổ biến bởi sự giao lưu ngày càng đậm đặc. Sáng tác của các tác giả người DTTS đóng góp vào thành tựu chung của văn học Việt Nam đương đại. Đến nay, 3 thế hệ tác giả của văn học hiện đại các DTTS vẫn viết với một tâm niệm như nhà thơ Y Phương: "Tôi có một dòng suối mơ/ Ra biển lớn vẫn chưa bằng lòng/ Bạc đầu sóng không một ngày ngơi nghỉ"./.

TS. Đỗ Thị Thu Huyền
Viện Văn học
(Nguồn: qdnd.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất