Sáng 17/3, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch
nước công bố Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và Pháp lệnh trình tự thủ tục
xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án
Nhân dân.
Cảnh sát cơ động - Lực lượng nòng cốt trong công tác vũ trang bảo vệ an ninh, an toàn xã hội
Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước khóa XIII
thông qua ngày 23/12/2013, gồm năm chương, 24 điều, có hiệu lực thi
hành từ 1/7/2014.
Pháp lệnh quy định về vị trí, chức năng; nguyên tắc hoạt động, xây dựng
lực lượng của cảnh sát cơ động; nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của cảnh sát
cơ động; trách nhiệm của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quy định về điều động cảnh
sát cơ động và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện
kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát cơ động...
Trên cơ sở xác định vị trí, chức năng cảnh sát cơ động thuộc Công an
Nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an
ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo
quy định của pháp luật.
Theo Pháp lệnh, cảnh sát cơ động có trách nhiệm tham mưu cho Đảng ủy
Công an Trung ương và Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh,
giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện phương án tác chiến chống
hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con
tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí...
Về tổ chức, cảnh sát cơ động gồm bốn lực lượng là lực lượng đặc nhiệm;
lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng bảo vệ mục tiêu; lực lượng huấn
luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, được tổ chức theo mô hình Bộ Tư
lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Ngoài chế độ chính sách chung đối với công an nhân dân, cảnh sát cơ động
còn được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù theo tính chất, nhiệm vụ, địa
bàn hoạt động. Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài ở địa bàn đóng
quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ.
Bảo đảm công khai, minh bạch trong xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính
Với năm chương, 42 điều, Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định
áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án Nhân dân được Ủy ban
Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/1/2014 và có hiệu lực kể
từ ngày ký ban hành.
Những trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã lập hồ sơ để xem xét hoãn,
miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giảm thời
hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp
xử lý hành chính còn lại nếu đến ngày Pháp lệnh có hiệu lực mà chưa giải
quyết sẽ áp dụng quy định của Pháp lệnh này.
Pháp lệnh đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng
về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính
đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm trình
tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
chặt chẽ, nhanh gọn, khả thi; đồng thời tăng cường tính công khai, minh
bạch, công bằng, dân chủ trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các
biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm các quyền cơ bản của công dân,
quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá
trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Pháp lệnh quy định Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện
pháp xử lý hành chính là Tòa án cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ
sở; Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của tòa án cấp
huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị. Thời hạn xem xét, quyết định
áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày, kể từ ngày tòa án thụ lý
hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp, thời
hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.../.
(Vietnam+)