Trước tình trạng thương vong tiếp tục gia tăng trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Xy-ri, Tổng Thư ký LHQ, Liên đoàn A-rập (AL) và Ðặc phái viên chung L.Bra-hi-mi đều hối thúc Chính phủ Xy-ri chấp thuận đề nghị đối thoại của phe đối lập.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ đang hé lộ khả năng trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Xy-ri, cùng những điều kiện tiên quyết mà lực lượng này đưa ra vẫn là trở ngại lớn khiến khó có thể dập tắt "lò lửa" xung đột đang hừng hực cháy ở Trung Ðông này.
Cuộc nội chiến kéo dài gần hai năm qua ở Xy-ri đã làm khoảng 70 nghìn người chết, bốn triệu người tị nạn cần cứu trợ khẩn cấp. Mặc dù được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây, lực lượng đối lập Xy-ri vẫn chưa đạt được mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Át-xát. Chủ tịch Liên minh Dân tộc Xy-ri đối lập A.M.An Kha-típ mới đây đã đề nghị đối thoại, song với điều kiện chính quyền Ða-mát phải thả 160 nghìn người của phe đối lập.
Ðề nghị của ông Kha-típ được sự ủng hộ từ Mỹ, LHQ, AL cũng như của Nga và I-ran, coi đây là cơ hội không nên bỏ lỡ để thay đổi từ "lô-gích quân sự có hại" sang cách tiếp cận mang tính chính trị nhiều triển vọng. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi Chính phủ Xy-ri lẫn Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ phản ứng tích cực với đề nghị trên và cho rằng, đã đến lúc HÐBA không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc mà cần thiết lập quá trình chuyển giao dân chủ để cứu Xy-ri. Tuy nhiên, bản thân nội bộ lực lượng đối lập vẫn bất đồng khi Hội đồng Dân tộc Xy-ri (SNC) - thành phần chính của liên minh, lại bác bỏ đề nghị đối thoại này. Còn chính quyền Tổng thống Át-xát thể hiện rõ quan điểm không phủ nhận đối thoại nhưng cũng không chấp nhận điều kiện tiên quyết. Tổng thống Át-xát khẳng định, không cúi đầu trước sức ép từ bên ngoài trong bối cảnh gần đây âm mưu ám sát các quan chức ngày càng phổ biến ở Xy-ri. Với cục diện chiến sự hiện nay, Tổng thống Át-xát nhận định, nếu bên ngoài ngừng "bơm" tiền và tuồn vũ khí cho lực lượng đối lập, cuộc nội chiến sẽ sớm kết thúc.
Trong lúc cộng đồng quốc tế hối thúc tìm một giải pháp đối thoại ở Xy-ri thì chính quyền Mỹ vẫn "ông chẳng bà chuộc" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Mặc dù Nhà trắng không tỏ ra mặn mà với đề nghị trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Xy-ri, song nhiều quan chức thuộc đảng Cộng hòa cũng như Lầu năm góc lại sốt sắng muốn có một biện pháp mạnh tay hơn, trong đó không loại trừ khả năng can thiệp vũ trang. Truyền thông Mỹ đã tiết lộ thông tin về một kế hoạch bí mật được cựu Bộ trưởng Ngoại giao H.Clin-tơn và cựu Giám đốc CIA Ð.Pê-tra-ớt ủng hộ nhằm vũ trang cho phe đối lập Xy-ri. Mặc dù tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri cho biết, Oa-sinh-tơn đang cân nhắc các phương án để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Xy-ri với ưu tiên giải quyết bằng phương thức ngoại giao, song, chính Bộ trưởng Quốc phòng L.Pa-nét-ta thừa nhận, Lầu năm góc ủng hộ các đề xuất tăng cường vũ trang cho phe đối lập Xy-ri nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Át-xát. Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cả Bộ trưởng Quốc phòng Pa-nét-ta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ M.Ðem-xây đều lần đầu thừa nhận ủng hộ ý tưởng vũ trang và huấn luyện cho phe đối lập ở Xy-ri. Tuy nhiên, tướng M.Ðem-xây vẫn hoài nghi về thành phần hàng ngũ phe đối lập cũng như khả năng liệu lực lượng này có thể thiết lập một chính phủ, chấm dứt bạo lực hay không.
Việc chính quyền Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tỏ ra thận trọng trong việc giúp đỡ lực lượng nổi dậy Xy-ri là bởi, họ không có bức tranh rõ ràng về các phe nhóm trong lực lượng này. Sau khi phát hiện trong hàng ngũ phe nổi dậy Xy-ri có nhiều thành phần cực đoan và có quan hệ với mạng lưới khủng bố An Kê-đa, phương Tây lo ngại những vũ khí hiện đại mà họ cung cấp có thể rơi vào tay khủng bố, biến nước này trở thành Áp-ga-ni-xtan thứ hai. Trong khi đó, bất đồng giữa các bên trong cuộc, mâu thuẫn trong hàng ngũ nổi dậy Xy-ri, trong chính quyền Mỹ, cũng như quan điểm trái chiều giữa các quốc gia thành viên HÐBA đang là những "vật cản lớn" ngáng trở con đường tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Xy-ri.
Theo Nhân dân