Thứ Sáu, 27/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 17/2/2016 14:4'(GMT+7)

Về Điện Biên vui với hội Còn

Theo truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ, đã mời các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Vua Hùng đã sáng chế ra trò chơi ném còn để nhân dân cùng vui chơi. Từ đó, trò chơi ném còn trở nên rất phổ biến đối với người Thái. Trong tâm thức của đồng bào Thái, trò chơi ném còn có ý nghĩa rất đặc biệt. Quả còn tượng trưng cho phần dương, vòng tròn dán giấy đỏ trên cây tre tượng trưng cho phần âm. Hội ném còn chính là thể hiện sự hòa hợp âm - dương, mang ý nghĩa phồn thực. 

Để chuẩn bị cho ngày Hội ném còn, các cô gái Thái đã chuẩn bị khâu quả còn trước đó vài ba tháng trước đó. Quả còn được bàn tay khéo léo của các cô  sơn nữ Thái, khâu bằng vải, hình  tròn, to hơn quả cam. Khâu theo múi với hoa văn nhiều mầu sặc sỡ ghép nối vào nhau, tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả còn nhồi bằng các loại hạt như: Hạt thóc, hạt bông, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ... thể hiện khát vọng tồn tại, sự sinh sôi vượt lên trên bầu trời tự do, mong ước gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau. Thường mỗi quả còn được đính kèm 5 dây gồm: 4 dây ở 4 phía, 1 dây ở phía dưới của quả còn. Dây được se bằng sợi bông, dài khoảng nửa sải tay người lớn và được nhuộm tua xanh, đỏ tượng trưng cho đuôi con Rồng. Theo quan niệm truyền thống, khi ai đó tung quả còn lên cao, thì tượng trưng cho hình ảnh Rồng bay (Cón cuống), nghĩa là niềm tin gửi gắm vào hình ảnh con Rồng với ước vọng mong muốn của đồng bào có cuộc sống no ấm, thịnh vượng và hạnh phúc. Quả còn lóng lánh sắc màu như hình ảnh con rồng, đây là khát vọng, ấp ủ những hạt giống chờ gieo xuống bản, làng để sinh sôi, nẩy nở, đơm hoa và kết trái. Dây còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa, mang lại một tín hiệu tốt lành cho một năm mới đang tràn về. Khi tung còn lên cao, các dây còn phấp phới như râu Rồng, biểu tượng cho các loại cỏ cây, hoa lá đua nhau khoe hương sắc trong ngày xuân ấm áp.

Sân hội còn thường được tổ chức trên khoảng đất rộng bằng phẳng. Dựng một cây tre dài từ 30 - 50m. Trên ngọn cột tre, ngoài lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của hội Xuân còn có một vòng tre đường kính khoảng 60 - 80 cm, quấn giấy đỏ. Vòng tròn dán giấy đỏ này coi như là tâm điểm để các đội thi nhau ném. Đội nào ném thủy tâm đó, coi như giành phần thắng.

Khi tổ chức Hội ném còn, quả còn ném thường hướng về đầu nguồn sông hay suối. Đây chính là hướng về các bản làng người Thái, vì người Thái thường sinh sống bên đầu nguồn con nước. Vì thế, trò chơi ném còn trường tồn, trở thành trò chơi dân gian vui nhộn, thu hút nhiều người hào hứng tham gia nhất. Hội còn không phân biệt lứa tuổi, ai cũng có thể tham gia. Du khách nước ngoài, người miền xuôi lên vui hội, được các cô gái Thái duyên dáng trong bộ váy đẹp áo cóm cúc bạc lấp lánh mời gọi và hướng dẫn bạn cách chơi. Nếu bạn là người thắng cuộc sẽ được thưởng chén rượu ngon hay chính quả còn bạn ném để làm kỷ niệm.

Cách chơi ném còn đơn giản, nhưng người chơi phải khéo léo. Người chơi chia làm hai đội, đứng hai đầu cây tre. Dùng quả còn xoay tròn ném lên vòng tròn treo trên đầu cây tre. Nếu đội nào ném trúng chui qua vòng tròn thì thắng cuộc. Ngày nay, Hội còn không còn trong phạm vi của một tộc người, mà đã vươn ra với các nước bạn, thể hiện tình hữu nghị. Cứ 2 năm một lần, Thành phố Điện Biên Phủ cùng các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức giao lưu thi đấu ném còn. 

Du xuân mời bạn về Điện Biên vui với Hội còn -hoạt động vui chơi dân gian, mang tính cộng đồng. Đây là nét đẹp văn hóa  truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên./.

Đỗ Quang Khải


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất