Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 25/2/2012 13:8'(GMT+7)

Về với miệt vườn cây trái Cù lao Sông Tiền, Sông Hậu

Thu hoạch chôm chôm ở miệt vườn.

Thu hoạch chôm chôm ở miệt vườn.

Về miền Tây lần này, được bạn đưa về vùng trái cây Chợ Lách-Bến Tre, thăm ngôi nhà của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, mà không thể nhớ hết bao nhiêu là nhà trồng trái cây đặc sản. Từ Thị xã Vĩnh Long sang chưa đầy 10 km, là cả một vùng trái cây xanh mượt mà dù trời đang nắng đến 35 - 36 độ C, song khi đến miệt vườn trên 13.000 ha của huyện Chợ Lách (Bến Tre), cái nóng cũng sẽ chóng tiêu tan.

Diện tích trồng nhãn, xoài là bao nhiêu ở 4 tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang - nơi nhiều diện tích trái cây nhất cả nước, thì con số thống kê bằng giấy bút khó mà cho ta chính xác được. Vì như Thạc.sỹ Nguyễn Văn Thanh, nguyên GĐ Sở NN & PTNT tỉnh Vĩnh Long - nay là Bí thư Huyện ủy Bình Tân, cho biết: nói tới dân làm vườn miền Tây, hễ thích là chơi tới mùa, mà hễ lỗ, bị bệnh lây lan, là không tiếc gì đốn bỏ luôn. Đốn xong lại có cây khác thay vào ngay. Nào Nhãn, Cam, Quýt, Chanh… muốn giống gì thì cứ gọi, cứ một buổi là muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.

KS Nguyễn Trí Nghiệp, chủ trang trại giống cây Island xã Bình Hòa Phước hôm tiếp chúng tôi cho biết: Tiền bạc thiếu không lo, bà con trồng xong rồi tính, có khi thiếu tiền mua giống, chỉ dăm bảy bữa là chuyện thường, chẳng ai lo mất ở xứ sở này cả.

Cù lao Minh - Long Hồ - Vĩnh Long có 4 xã đều có dân làm vườn thành đạt từ sau giải phóng đến nay, trong đó xã An Bình, Bình Hòa Phước là 2 xã có trên 95% hộ dân làm vườn đạt rất cao năng suất, và thành đạt về cây con giống từ nhiều năm nay. Mà chú ý là phụ nữ vùng Cù lao Minh rất hiếu khách, và thành đạt nhanh từ cây ăn trái. Đây là những xã cù lao nối tiếp liền với Hòa Ninh, Bình Hòa Phước, Đồng Phú, bằng đường bộ, đường sông thông thoáng.

Năm rồi, đường đi từ bến đò TX Vĩnh Long sang các xã này giờ là đường tráng bê tông nhựa và tráng đan sạch sẽ, đủ chổ không những cho xe 2 bánh đi về sớm khuya, mà còn cho xe hơi về đến tận miệt vườn. Bởi thế hè về bà con các nơi, du khách các nước, nhiều nhất là chị em từ Sài Gòn ưa về vùng cây trái Nam Bộ này để hưởng gió, hưởng nước ngọt tắm nắng trên sông Tiền, sông Hậu bao la.

Tại Cù lao Minh là một Cù lao đất cổ, nơi có chùa Tiên Châu, là nơi thờ tự kính cẩn từ bao năm nay của bà con vùng đất này. Vùng Cù lao này vẫn còn nhiều căn nhà cổ có tuổi hàng trăm năm, và bà con cũng cố giữ nét nhà xưa thanh bình như thế, xung quanh là vườn cây ăn trái bao bọc, đầy nét cổ kính.

Đây là vùng trồng nhãn có tiếng lâu nay và điệu nghệ dùng kỹ thuật của nhà vườn để cho nhãn ra trái vụ sau mùa tết, gọi là “nhãn nghịch” thu nhập rất được giá. Vùng Cù lao Minh có trên 2.500 hộ dân, chuyên sống bằng nghề trồng nhãn và chôm chôm. “Nhãn cù lao”, “nhãn Vĩnh Long” đã thành danh và có chỗ đứng trên thương trường Nam bộ cũng như trong và ngoài nước. Bác Tám Hổ ở ấp Bình Thuận I, xã Bình Hòa Phước - một lão nông có bề dày nhất nhì xứ Cù lao này về làm kinh tế miệt vườn cho biết, bây giờ dân Cù lao cho ra trái “nghịch vụ” là chuyện thường, bởi bà con đã biết cách chăm bón, cách hãm thuốc sao để nhãn ra hoa, kết trái đúng ý chủ vườn khi cần.

Vụ nhãn trái vụ này, sau tết chừng vài ba tuần là bà con Cù lao có hàng ngàn ha nhãn đi vào thu họach. Giá bán tại đây giờ cũng 9 - 10 ngàn đồng/kg, lên TP. Hồ Chí Minh, hay ra các nơi khác xa hơn giá sẽ vượt trên 12 - 14 ngàn đồng/kg tùy loại. Điều lợi cho bà con, là bây giờ xe cũng như xuồng, ghe vào ăn nhãn tới tận vườn, khỏi lo phải đi xa. Cách tiếp thị của bà con miệt vườn cũng rất dễ tính, là vật tư, thuốc trị bệnh cho cây, phân bón khỏi cần trả tiền trước. Nhà cung cấp chỉ biết vuờn đó của ai, bao nhiêu công… là lấy bao nhiêu ghi sổ chủ nhà ký vào, xong vụ trái cây thanh toán liền, chẳng lo mất mát đi đâu. Điều hay là bây giờ bà con theo dõi báo, đài rất kỹ. Hễ có loại nào giống tốt, vật tư hữu hiệu, đạt năng suất cao, thì dù giá có cao chút đỉnh, song nhà vườn không ngại.

Vĩnh Long có hơn 38.000 ha cây ăn trái trải dài trên 8 huyện, thị xã; mà nhiều nhất là các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn, Măng Thít, Bình Minh, Tân Bình. Một nông dân làm vườn ở Cù lao Minh (Long Hồ ); còn Bến Tre kế bên cũng tương tự. Tính ra, như bác Tám Hổ nói: nếu mỗi công đất trồng lúa thì giỏi lắm là 30 - 35 giạ, (20 kg/giạ) trồng 2 vụ bán mỗi năm cao lắm chỉ được 3 -3,5 triệu đồng, lại phải chi vo bao thứ. Còn nếu một công đất vườn, trồng bưởi năm roi thì tệ lắm củng gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Chính vì vậy khâu giống từ nhãn, xoài, bưởi Năm Roi từ Vĩnh Long có lúc đã như “cơn sốt” đất ở Sài Gòn.

Giống bưởi nào là bưởi Năm Roi, nhãn nào là nhãn ghép trái vụ, nói như chủ vườn cây giống Island ở xã Bình Hòa Phước, KS Nguyễn Trí Nghiệp, thì khi còn trong bịch cây giống khó ai nhận ra nổi, nếu không phải là nhà vườn lão luyện. Bởi thế cơ sở giống hơn 2ha của anh ở ấp Bình Thuận I, cho bà con được chọn lựa giống thoải mái, kể cả cho trồng thử rồi trả tiền sau, khi có thu họach.

Người miền Tây dễ tin, thành thật và bao dung với nhà vườn, kể cả khi bà con ta gặp khó về giống, vật tư chăm bón… cũng là lẽ đó.

Những năm gần đây cây xoài, cam trái vụ, nhãn trái vụ… phát triển nhanh. Trái xoài, cam, bưởi, nhãn… đặc sản không còn là đặc sản của vùng Cai lậy, Cái Bè (Tiền Giang ) mà đã đi về những miệt vườn xa hơn, rộng hơn như Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp… Vườn giống nhà dân ở vùng này thường có nhiều loại, từ nhãn nghịch, xoài ghép, măng cụt, mít, cam… đến cả những cây khế chua ngọt, trái quanh năm.v.v… tất cả là từ đất miệt vườn cù lao, từ óc suy nghĩ, nhân giống cách nào, bí quyết ra sao để cây trái ra hoa, trái đạt cao, kể cả trái vụ cho cao giá hơn. Đó là sự sáng tạo của người nông dân Nam Bộ, đi từ kinh nghiệm thực tế trải đời nắng mưa với cây cối miền Tây.

Tuy thế một vấn đề lớn đặt ra là quy hoạch các vùng trái cây. Điều này đang đặt ra cho các tỉnh ở ĐBSCL những bài toán mới. Nói như đồng chí Nguyễn Văn Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, khi quy hoạch các vùng trồng cây ăn trái lãnh đạo tỉnh phải tính kỹ cả đến những yếu tố: tập quán vùng, kỹ năng người dân, cả vùng đất và vùng người, chất đất, khí hậu, nguồn nước… phải được xem xét kỹ khi đề ra chính sách phát triển kinh tế vườn; nhất là từ vụ cam sành Tam Bình đã nhiễm bệnh, phải đốn bỏ do “đại dịch” vừa qua.

Tâm niệm của nhiều người dân miệt vườn trồng cây ăn trái mà chúng tôi gặp đều mong muốn có giao thông đi lại khang trang, có điện xài đến mỗi hộ, nhất là ở các xã vùng sâu, sự đói điện, hạ tầng giao thông… càng đặt ra cấp thiết hơn. Có đường, xoá hẳn cầu khỉ, có điện, có trường học khang trang, trạm y tế để chữa bệnh, mở mang dân trí… Làm sao để người dân ĐBSCL vững niềm tin vì một vựa lúa, trái cây lớn nhất nước, và cũng vững niềm tin khi vừa là vùng hải sản lớn nhất của miền Nam và cả nước; để làm cho tiềm năng và những thương hiệu trái cây miền Tây Nam bộ đó sẽ mãi không ngừng vươn cao, vươn xa./.

Miền Tây 2012

PHẠM BÁ NHIỄU

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất