Thứ Sáu, 6/12/2024
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Thứ Tư, 27/3/2024 8:25'(GMT+7)

Về vùng căn cứ cách mạng Mường Phăng

Du khách tham quan di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: qdnd.vn)

Du khách tham quan di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: qdnd.vn)

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Tại đây, cơ quan đầu não của Quân đội ta đã "đóng chốt" 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954). Đây là địa điểm "đóng chốt" thứ 3 và là địa điểm cuối cùng cho đến khi chiến dịch kết thúc, chiến thắng. Nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nằm ở trung tâm Sở Chỉ huy Chiến dịch là hệ thống lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi lán của Đại tướng cũng đơn sơ và giản dị như bao ngôi lán khác trong khu rừng già Mường Phăng. Trên chiếc bàn tre, hằng ngày, Đại tướng cùng Bộ Chỉ huy trải rộng tấm bản đồ nghiên cứu tình hình chiến sự, tìm ra phương án quyết định để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đã được tôn tạo một số ngôi lán và hầm làm việc với chất liệu bền vững hơn nhằm tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt đơn sơ, giản dị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch trong khu rừng Mường Phăng.

Ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt trong lòng mỗi người dân. Mảnh đất này là nơi ghi đậm nhiều tình cảm của người dân đối với Đại tướng. Hình ảnh về Đại tướng vẫn luôn khắc sâu trong tâm thức mỗi người dân Mường Phăng. Đó cũng là lời thúc giục đồng bào các dân tộc nơi đây đoàn kết, chung tay xây dựng bản mường ngày càng ấm no.

Trong ngôi nhà của anh Lò Văn Ánh ở bản Phăng 2, xã Mường Phăng, bức ảnh khoảnh khắc cụ Lò Thị Đôi (bà nội của anh Ánh) chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần lên thăm Điện Biên cuối cùng vào năm 2004 vẫn luôn được treo tại vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà. Anh Lò Văn Ánh chia sẻ, ngày Đại tướng mất, cụ Đôi chỉ ôm bức ảnh rồi khóc nức nở. Trước khi mất, cụ cũng dặn dò con cháu trong gia đình luôn phải nhớ ơn công lao của Đại tướng, nỗ lực không ngừng để xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao, kỳ vọng của Đại tướng.

Trong những ngày tháng Ba sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tấp nập những đoàn khách phương xa về với Mường Phăng, về với di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, có những cựu Chiến sĩ Điện Biên, những cựu chiến binh hay thế hệ trẻ. Khi đến thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lần đầu tiên hay đã nhiều lần đến Điện Biên đều có những cảm xúc, nỗi niềm riêng.

Bà Nguyễn Thị Tương ở thành phố Hà Nội là con của liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hằng năm, bà lại lên Điện Biên, thăm các di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nơi mà cha bà đã chiến đấu, ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc, vì giải phóng đất nước. Bà Nguyễn Thị Tương xúc động chia sẻ: “Khi cha tôi mất thì tôi mới có 3 tuổi nên chưa biết mặt cha và cũng không nhớ kỷ niệm gì. Chỉ biết là cha đã hy sinh trong chiến trường Điện Biên Phủ. Hầu như năm nào tôi cũng lên Điện Biên, có năm lên 3 - 4 lần, cũng chỉ mong tìm thấy mộ cha giữa hàng nghìn liệt sĩ vô danh nhưng vẫn chưa tìm được”.

Còn với anh Lư Mê Li, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh, đây cũng là lần thứ ba anh đến với Điện Biên. Mỗi lần đến đây, anh đều dành thời gian đến thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh cảm thấy vô cùng xúc động và cảm phục tinh thần của các thế hệ cha ông, những người chiến sĩ Điện Biên, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, những người chịu trách nhiệm chính trong Chiến dịch này. Những lán trại đơn sơ, mộc mạc, nằm trong khu rừng già, điều kiện vật chất rất khó khăn, nhưng lại làm nên ý chí quật cường của Quân dân Việt Nam. Từ đó đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo ông Lò Văn Hoàng, Tổ bảo vệ Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, để phục vụ khách tham quan, đặc biệt trong thời gian cao điểm đến Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổ cũng đã tăng ca kể cả buổi trưa, đồng thời tạo cảnh quan sạch đẹp trong khuôn viên di tích. Tổ cũng cố gắng để làm tốt công tác bảo vệ rừng và giữ gìn nguyên trạng giá trị khu di tích lịch sử.

70 năm trôi qua, Mường Phăng ngày nay là một địa chỉ đỏ đối với du khách khi đến Điện Biên. Từ vùng căn cứ cách mạng, bản làng Mường Phăng ngày càng sầm uất, khang trang với diện mạo của xã nông thôn mới. Mường Phăng hiện có hơn 1.200 hộ dân với trên 5.600 nhân khẩu thuộc cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Kinh sinh sống ở hơn 20 thôn, bản. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước thực hiện gần 11 tỷ đồng, đạt trên 99% so với dự toán giao. Tính đến hết năm 2023, xã Mường Phăng chỉ còn 4 hộ nghèo (giảm 13 hộ so với năm 2022). Năm 2018, xã đã về đích thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp cho biết, phát huy lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống bà con không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm, giao thông đi lại thuận tiện. Để tiếp tục phát huy những truyền thống vùng căn cứ cách mạng, trong thời gian tới, nhân dân các dân tộc Mường Phăng tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Mường Phăng ngày càng giàu đẹp đúng như kỳ vọng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong đợi./.

XUÂN TƯ (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất