Về
phía mình, VFF đã hoàn tất công tác chuẩn bị của các tiểu ban phục vụ
tổ chức Đại hội từ đầu năm nay, và VFF đã gửi công văn tới các uỷ viên
BCH và các tổ chức thành viên để lấy ý kiến giới thiệu nhân sự BCH khoá
VII và 2 vị trí Chủ tịch, TTK VFF.
Ông Trần Quốc Tuấn trong buổi họp báo công bố quyết định từ chức TTK VFF vào ngày 26/12/2011. Ảnh: VSI
Được
biết, thời hạn cuối để các uỷ viên BCH và các tổ chức thành viên VFF
gửi đề cử nhân sự lên VFF là ngày 15/3, tức là chỉ còn chưa đầy một nửa
tháng nữa, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn đều mới chỉ gửi ý
kiến đề cử nhân sự cho BCH khoá VII, còn với 2 vị trí quan trọng là Chủ
tịch và TTK VFF thì các CLB và đơn vị thành viên vẫn tỏ ra khá dè dặt.
Do
2 vị lãnh đạo đương nhiệm là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và TTK Ngô Lê
Bằng đều tuyên bố sẽ không tái cử ở Đại hội VFF khoá VII sắp tới, nên
chắc chắn BCH và các đơn vị thành viên của VFF sẽ phải chọn ra 2 gương
mặt mới để ngồi vào 2 vị trí quan trọng nêu trên.
Nếu
như vị trí TTK không quá khó đoán với khả năng trở lại được cho là rất
rộng mở của cựu TTK Trần Quốc Tuấn thì danh sách ứng viên cho chiếc ghế
Chủ tịch VFF vẫn đang bỏ ngỏ, khi đến giờ này vẫn chưa biết ai sẽ có khả
năng lớn nhất để thay thế Chủ tịch VFF đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ, và
bản thân ông Hỷ cũng chưa giới thiệu ứng viên nào cho vị trí mà ông sắp
sửa chia tay.
Sau
khi rời VFF, ông Trần Quốc Tuấn trở lại Tổng cục TDTT để đảm nhiệm công
việc liên quan tới lĩnh vực bóng đá, và trong suốt thời gian vừa qua,
ông Tuấn vẫn hỗ trợ cho bộ máy điều hành của VFF trong rất nhiều vấn đề,
mà rõ nhất là việc tìm kiếm đối thủ để ĐT Việt Nam thi đấu cọ xát trước
thềm AFF Cup 2012.
Trong
cuộc trao đổi với TT&VH cách đây chưa lâu, ông Tuấn chưa hé lộ bất
cứ ý tưởng nào về việc trở lại VFF, nhưng nguyện vọng quay về mái nhà
xưa với ông Tuấn là hoàn toàn có thật, và ngay cả lãnh đạo Tổng cục TDTT
cũng tỏ ra ủng hộ ông Tuấn với phát biểu: “Nếu tới đây có đơn vị thành
viên nào của VFF tín nhiệm đề cử anh Tuấn vào BCH, dĩ nhiên anh Tuấn có
quyền trở lại nếu nhận được số phiếu bầu cần thiết ở Đại hội”.
Tuy
thế, câu chuyện với chiếc ghế Chủ tịch VFF lại hoàn toàn khác, khi vẫn
chưa biết tại Đại hội VFF khoá VII sắp tới sẽ có những ứng viên nào cạnh
tranh cho vị trí này, bởi theo nguyên tắc, các uỷ viên BCH, các CLB và
các đơn vị thành viên VFF đều có quyền đề cử nhân sự mà mình tín nhiệm
với số lượng không hạn chế, như xác nhận của Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân
Trung với báo chí cách đây ít ngày.
Từ
nay đến khi diễn ra Đại hội VFF khoá VII chỉ còn khoảng 3 tháng nữa,
nhưng vẫn chưa có ai được xem là ứng viên tiềm năng để thay thế Chủ tịch
VFF đương nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ. Bóng đá Việt Nam đang trải qua giai
đoạn khó khăn chưa từng thấy trong hơn 10 năm tiến hành chuyên nghiệp
hoá, và bởi thế việc lựa chọn nhân sự cho một vị trí quan trọng như Chủ
tịch VFF lại càng khiến người ta phải dè dặt và cẩn thận hơn.
Theo
quy định của VFF thì chức danh TTK do BCH giới thiệu nhưng Chủ tịch VFF
mới là người bổ nhiệm, nên 2 vị trí này sẽ có mối liên quan không nhỏ
với nhau. Ở ĐH VFF khoá V diễn ra cách đây 8 năm, ông Nguyễn Trọng Hỷ
khi ấy là Phó Chủ nhiệm UB TDTT (tương đương với chức danh Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục TDTT hiện tại) đã đắc cử chức Chủ tịch VFF.
Hiện
tại, VFF cũng có một Phó Chủ tịch đang giữ cương vị lãnh đạo ở Tổng
cục TDTT là Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn, và nếu ông Tuấn không từ
chối ứng cử vào chức danh Chủ tịch VFF khoá VII thì đây sẽ là một ứng
viên rất sáng giá. Ngoài ra, còn có một số cái tên khác cũng được đề cập
tới cho danh sách ứng viên thay thế ông Hỷ như Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng
Dũng hay TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn.
Tuy
nhiên, tất cả các trường hợp vừa nêu mới chỉ là phỏng đoán và câu trả
lời sẽ chỉ có sau ngày 15/3, khi VFF chốt lại danh sách đề cử nhân sự từ
các uỷ viên BCH, các CLB và các đơn vị thành viên./.
Theo thethaovanhoa