Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 17/5/2018 9:4'(GMT+7)

Vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi, khó kiểm soát

“Hụt hơi” trong môi trường công nghệ số

Câu chuyện về bản quyền cuốn sách được cho là bán chạy nhất trên thị trường sách Việt Nam về tư vấn sức khỏe có tựa đề “Nhân tố Enzyme-Chìa khóa cho sức khỏe của bạn” của bác sĩ Hiromi Shinya (Nhật Bản), sau hai năm tranh cãi đến nay vẫn chưa có hồi kết. Theo bằng chứng của Công ty Sách Thái Hà (ThaiHaBooks), công ty là đơn vị độc quyền xuất bản tiếng Việt cuốn sách, nhưng thời gian qua có hai đơn vị khác đã xuất bản và phát hành cuốn sách này. Bà Trần Phương Thảo, Phó tổng giám đốc ThaiHaBooks, cho biết: “Để xuất bản cuốn này, chúng tôi đã làm việc với tác giả, trả tiền mua bản quyền nhưng trước đó, rất nhiều sách không có bản quyền được phát hành. Chúng tôi phải gửi công văn cho các đơn vị phát hành sách này, yêu cầu họ dừng phát hành nhưng không hề dễ dàng. Mỗi năm phải gặp ít nhất một đến hai tựa sách có tình trạng như vậy”.

 

Cũng theo bà Thảo, không chỉ các tựa sách bản in bị vi phạm bản quyền, rất nhiều bản dạng sách điện tử của ThaiHaBooks thường xuyên bị các đơn vị ngang nhiên sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng tới công tác in ấn và phát hành sách tại thị trường trong nước. Trong khi đó, việc xử lý các ấn phẩm được phát hành chưa có bản quyền hoặc vi phạm bản quyền tại Việt Nam tốn không ít thời gian cũng như công sức, khiến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này “hụt hơi”.

Phản ứng về thực trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, rà soát cho thấy hàng nghìn chương trình do VTV sản xuất đã bị nhiều trang web vi phạm bản quyền nghiêm trọng, nhất là ở những chương trình truyền hình thực tế đang “hot” như: The Voice, Tìm kiếm Tài năng Việt Nam… Hay nhiều bộ phim truyền hình “ăn khách” như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”… bị nhiều công ty truyền thông, hàng chục kênh YouTube lấy nội dung chèn quảng cáo phát trên kênh riêng, thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem. Chỉ mất vài giây thao tác có thể tìm thấy hàng trăm website, ứng dụng di động trang Facebook, YouTube cá nhân đang ngang nhiên vi phạm bản quyền các chương trình của VTV để thu lợi bất chính. Các hành vi vi phạm khiến VTV phải chịu tổn thất lớn, khiến đối tác quốc tế của nhà đài đã ngừng hợp tác, chẳng hạn vụ việc cắt sóng các trận đấu bóng đá Champions League và Europa League năm 2017.

Sớm xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo bà Ngô Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD (chuyên về lĩnh vực truyền thông và điện ảnh), trong thế giới ngày nay, công nghệ đang cách mạng hóa các nền kinh tế và công nghiệp sáng tạo trở thành một ngành quan trọng. Thống kê cho thấy, sự đóng góp của ngành công nghiệp dựa trên bản quyền ở Hàn Quốc tăng trưởng nhanh hơn các ngành công nghiệp khác, trong năm 2009 đạt 105,4 tỷ won giá trị gia tăng, chiếm 9,89% GDP; số người làm việc trong ngành chiếm 6,24% lực lượng lao động. Tại Mỹ, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp hơn 10% GDP. Việt Nam chưa có thống kê về sự đóng góp của nền công nghiệp bản quyền cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng có thể thấy, với sự xâm phạm bản quyền trên môi trường internet hiện nay thì sự thiệt hại cho nền kinh tế là không nhỏ. Ngoài ra, các hành vi xâm phạm bản quyền còn là rào cản, làm hạn chế sức sáng tạo trong xã hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Nghị định 22 có hiệu lực từ ngày 10-4-2018, gồm 6 chương và 51 điều, cơ bản giữ nguyên các quy định của nghị định cũ, nhưng có sự chỉnh sửa phù hợp với luật pháp chuyên ngành. Ngoài ra, mức độ xử phạt cũng có thay đổi, cụ thể với hành vi phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình không có bản quyền có thể bị phạt tiền từ 50 đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, chế tài xử lý các vi phạm bản quyền khá rõ ràng, nhưng để bắt được đúng tội của các cá nhân, đơn vị vi phạm lại là một thách thức không nhỏ. “Với lĩnh vực âm nhạc, hiện nay đã có đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ cho phép trong 24 tiếng có thể bóc tách được danh sách bài hát trình diễn trên kênh nào, vào giờ nào, ca sĩ nào thể hiện, thậm chí có thể biết được bài hát đó biểu diễn trọn vẹn cả bài hay chỉ nửa bài… Không rõ ràng trong các thỏa thuận dân sự khi tiến hành thu phí tác quyền là một trong những điểm hạn chế mà đến nay việc thu phí tác quyền để bảo vệ quyền lợi cho các tác giả vẫn tranh cãi chưa có hồi kết”, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết.

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng, tra cứu ứng dụng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý, phát hiện và xử phạt nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan…/.

Theoqdnd.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất