Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 19/12/2009 16:8'(GMT+7)

Vi phạm bản quyền trong "đọc truyện online":Các nhà làm sách lại kêu trời

Trang web quảng cáo dịch vụ "đọc truyện online".

Trang web quảng cáo dịch vụ "đọc truyện online".

Thêm lần nữa, tương tự các vụ sách lậu, vụ việc được các nạn nhân tự phát hiện và lần vết, trước khi cơ quan chức năng biết đến.

Hết sách lậu lại tới "đọc truyện online"

Từ phản ánh của bạn đọc, ngày 17.2.2009, Cty CP xuất bản và truyền thông IPM - nơi giữ bản quyền bộ sách "Tru Tiên" tại VN - một trong những tác phẩm bị dịch vụ nói trên xâm hại bản quyền, đã gửi đơn kêu cứu tới một loạt cơ quan chức năng. Theo hợp đồng bản quyền, IPM được phép sở hữu bản quyền tiếng Việt của bộ sách kiếm hiệp Trung Quốc trong thời gian 5 năm (kể từ 2007).

Được coi là một đại kỳ thư tân kiếm hiệp và là một hiện tượng văn học mạng tại Trung Quốc, "Tru Tiên" - bản tiếng Việt cũng nhanh chóng được dân ghiền kiếm hiệp VN đón nhận và trở thành một trong những bộ sách văn học bán chạy nhất trên thị trường cho tới thời điểm hiện nay.

Cùng số phận với "Tru tiên", là một loạt tác phẩm ăn khách của NXB VHTT (Mật mã Da Vinci, Kỳ án ánh trăng), NXB Trẻ (Trăng non, Nhật ký công chúa, Khi lấy chàng, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), Cty Nhã Nam (Nếu em không phải giấc mơ), NXB Kim Đồng (Lần đầu bên nhau)... cũng bị sử dụng trái phép. Điều đáng nói là không NXB nào trong số trên nhận được lời xin phép sử dụng từ phía nhà cung cấp dịch vụ.

Ông Vũ Việt Dũng - GĐ IPM - cho hay: "Sau khi tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện ra trang chủ của dịch vụ này đặt tại địa chỉ một trang web chuyên cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động thông qua đầu số 8x01 thuộc sở hữu của Cty CP truyền thông Việt Nam - VC Corp có trụ sở đặt tại tầng 22-23, Vincom Tower B, 191 Bà Triệu, Hà Nội, có giấy phép số 219/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Dịch vụ này cho phép người dùng có thể nhắn tin tới số 8501 để tải về nội dung bộ tiểu thuyết "Tru Tiên" với chi phí 5.000 đồng". Thử sử dụng dịch vụ này, nạn nhân dễ dàng tải về được nội dung truyện chỉ với một tin nhắn có chi phí 5.000 đồng cho một bộ sách 7 tập, trị giá trên thị trường là 545.000 đồng.

Cùng chung bức xúc, cùng ngày, NXB Trẻ cũng đã gửi công văn đến bên vi phạm bản quyền, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải dỡ bỏ phần nội dung trái phép trên trước ngày 24.12, nếu không NXB Trẻ sẽ phải gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc. Được tin, Cty Nhã Nam cũng cho hay họ cũng sẽ có động thái tương tự để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cơ quan chức năng nói gì?

Được hỏi về vụ việc, ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản kiêm Chủ tịch Hội Xuất bản VN - cho biết: "Hành vi vi phạm như vậy là rõ, chiểu theo Điều 25 Luật Xuất bản về xuất bản trên mạng thông tin máy tính (Internet) và khoản 1, điều 19, Nghị định 97/2008/NĐ-CP, ngày 28.8.2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

Đại diện Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng (A25) - ông Nguyễn Khắc Khanh cho hay: "Hiện, tôi chưa nhận được công văn phản ánh của các NXB có quyền lợi liên quan, nhưng vụ việc nếu đúng như vậy thì cứ theo quy định của pháp luật mà xử phạt, thậm chí phải bồi thường cho bên bị thiệt hại".

Cho đến ngày 18.12, nghĩa là sau khi công văn yêu cầu gỡ bỏ nội dung đã được gửi đi, theo ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ, hiện NXB vẫn chưa hề nhận được bất kỳ một động thái xin lỗi hay sửa sai nào từ phía nhà cung cấp dịch vụ vi phạm bản quyền.

"Ngành xuất bản của VN hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ việc tổ chức mua bản quyền, tổ chức sản xuất, phát hành trong điều kiện quy mô thị trường VN không lớn, song sau khi phát hành lại phải đối mặt với việc in sách lậu, đăng tải lậu trên Internet...

Các vấn nạn này hiện vẫn chưa xử lý triệt để và ngày càng làm nhức nhối và gây thiệt hại rất nhiều cũng như làm nản lòng các đơn vị đã, đang và sẽ làm sách nghiêm chỉnh... Việc làm của Công ty cổ phần truyền thông VN thật đáng báo động, một kiểu phạm tội mới mà các cơ quan chức năng quản lý xuất bản và thị trường cần phải xử lý triệt để. Nếu không làm triệt để ngành xuất bản sẽ còn khó khăn nhiều nữa". (Trích đơn kiến nghị của Cty CP xuất bản và truyền thông IPM gửi các cơ quan chức năng). 

Theo Thiên An (Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất