Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 21/6/2020 9:15'(GMT+7)

Vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí - biểu hiện của suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, tham mưu công tác báo chí. (Ảnh minh họa).

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, tham mưu công tác báo chí. (Ảnh minh họa).

Báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, đạo đức nghề nghiệp báo chí cũng cần được đề cao và được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Thậm chí trong nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Bởi người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc giá trị của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ trung thực, khách quan, nghiêm túc đối với mọi thông tin và trong công việc. Vì thế, để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Đạo đức nghề nghiệp báo chí hay đạo đức người làm báo là việc ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội, thể hiện “tâm vững, lòng trong, bút sắc” của người làm báo.

Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016 gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Tháng 12-2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà còn khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không phân biệt giữa người làm báo có Thẻ Nhà báo, hay người làm báo không có Thẻ Nhà báo.

Trong quá trình phát triển, báo chí Việt Nam đã góp phần vào sự phát triển đất nước và đời sống xã hội. Báo chí trung thành tuyệt đối với hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và lợi ích của nhân dân, dân tộc. Báo chí đã thực sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, chính quyền và tiếng nói của nhân dân. Qua báo chí nhiều tấm gương tốt được biểu dương, nhiều vụ việc tiêu cực được phơi bày, nhiều vấn đề bức xúc được cơ qua chức năng tiếp nhận và giải quyết. Đồng thời, báo chí đã tuyên truyền, quảng bá, giải thích, vận động, cổ vũ và biểu dương những cá nhân và tổ chức thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại những quan điểm, hành động sai trái, tiêu cực hoặc chống đối Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh những thành tựu, ưu điểm, hoạt động báo chí vẫn còn một số hạn chế, sai phạm với biểu hiện, hình thức khác nhau. Đó là các biểu hiện sau:

1) Thông tin sai sự thật hoặc thông tin méo mó (sai một phần); 2) Không quan tâm đến hậu quả của thông tin; 3) Ứng xử nhẫn tâm; 4) Đưa thông tin không khách quan vì mục đích vụ lợi hay vì năng lực chuyên môn kém; 5) Thương mại hóa báo chí; 6) Khủng hoảng đạo đức báo chí.

Theo Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2019,Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn trên mạng xã hội. Xử lý thu hồi thẻ hội viên đối với hơn 20 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Tính đến tháng 11-2019, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận hơn 100 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo. 100% đơn thư nói trên đều được nghiên cứu, phân loại và xử lý, không có vụ việc nào tồn đọng hoặc khiếu nại đối với Hội Nhà báo Việt Nam. Trong đó có 10 đơn thư liên quan đến các vấn đề về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; 19 đơn thư liên quan đến việc hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; 50 đơn thư khiếu kiện về thông tin trên báo chí không chính xác.

Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng, trong đó 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, suy thoái trên được thể hiện qua một số hành vi sau:

Một là, lạm quyền, sự tùy tiện và vô trách nhiệm trong cung cấp thông tin và đưa tin.

Đáng chú ý, các sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật. Đây mới chỉ là một số sự việc tiêu biểu cho tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí. Ngoài ra còn phải kể đến hiện tượng một số báo, trang tin điện tử đăng thông tin giật gân, câu khách, không đúng sự thật qua cách rút tít theo lối “treo đầu dê bán thịt chó” hoặc mô tả những vấn đề nhạy cảm quá chi tiết mà không tính đến hậu quả và sự vô cảm, nhẫn tâm... Thậm chí, một số bài báo còn cố tình đăng tải thông tin mê tín dị đoan, lẫn lộn hư thực gây hoang mang cho người đọc, tạo hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội.

Hai là, lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi hoạt động báo chí, như một số nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi trục lợi. Trên thực tế, không ít nhà báo lợi dụng quyền hạn để làm những việc trái pháp luật. Đó là những hành vi lợi dụng danh nhà báo để tống tiền các doanh nghiệp, đe dọa các cá nhân có vị trí công tác có những việc làm không minh bạch, hay có hành vi lừa đảo người dân và các tổ chức… hoặc viết bài tâng bốc, quảng cáo không đúng sự thật… gây dư luận không tốt, bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, thậm chí có những nhà báo phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc lợi dụng nhà báo hoặc giả danh làm nhà báo để trục lợi không phải là hiếm, hầu như năm nào cũng có một vài vụ.

Ba là, báo chí thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn, gây bức xúc xã hội. Hiện tượng này đã được phê phán, nhắc nhở, nhưng hiệu lực không cao, những sai phạm vẫn tiếp diễn. Sự xói mòn của đạo đức nghề nghiệp báo chí và suy thoái của người làm báo đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh với giá rẻ. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan các thông tin mang nặng tính giải trí, nội dung nghèo nàn, “câu khách” mà lỗi phổ biến là lấy thông tin từ mạng xã hội nhưng không kiểm chứng. 

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phương tiện để lan truyền những thông tin sai lệch rất nhanh, mạnh mẽ, gây tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực, bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều đáng lưu tâm là có một số nhà báo đương chức hay có chức vụ trong một số tờ báo, tạp chí nhưng đã nghỉ hưu đã suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên có những bài viết, cuốn sách xuyên tạc lịch sử, nói xấu lãnh tụ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… Những vi phạm trong hoạt động báo chí của các cơ quan quản lý và của các phóng viên đã để lại nhiều hậu quả đối với sự phát triển của xã hội trên các lĩnh vực, thiệt hại về kinh tế, niềm tin đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức…

Bốn là, thực tế cho thấy, sai phạm của một cá nhân người làm báo đều liên đới đến cơ quan báo chí mà trực tiếp là những người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành tờ báo đó. Khi xử lý một sai phạm trên báo chí, người chịu trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên trước pháp luật, trước xã hội là người đứng đầu, quản lý đơn vị báo chí; sau đó là những người liên quan, người trực tiếp gây ra sai phạm. Vì vậy, xây dựng đạo đức nghề nghiệp báo chí và phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí là xây dựng đạo đức, cách hành nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí để đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối luôn đúng tôn chỉ, mục đích. Nếu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, trang tin hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, sự say mê nghề nghiệp và khả năng thâm nhập cuộc sống.

Thiết nghĩ rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đóng góp của các hiệp hội ngành nghề, đạo đức nói chung, đạo đức nghề nghiệp nói riêng sẽ luôn được quan tâm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và xây dựng nền báo chí cách mạng theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra./.

Cao Văn Thống
Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất