Kể từ ngày 30 tháng Chín, đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Syria, Nga bắt đầu tiến hành giáng đòn vào các cứ điểm của “Nhà nước Hồi giáo" ở Syria. Trong thời gian này lực lượng Không quân-Vũ trụ của Nga đã thực hiện hơn 450 vụ tấn công, tiêu diệt hàng trăm chiến binh khủng bố, phá hủy cơ sở huấn luyện, trạm chỉ huy, kho chứa đạn dược và các chủ thể khác. Ngoài ra, chiến hạm của đội tàu Caspi đã bắn 26 tên lửa hành trình triệt hạ cứ điểm của IS.
Chính giới Washington không ủng hộ hành động quân sự của Nga tại Syria, cho rằng Matxcơva đang theo đuổi mục tiêu riêng, cũng giống như khi Nga nêu đề xuất mời Hoa Kỳ phối hợp nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Trung Đông. Vì sao sau những cuộc tấn công khủng bố ở New York và Washington ngày 11 tháng Chín 2001, Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọi toàn thế giới đoàn kết chống chủ nghĩa cực đoan vũ trang, thế nhưng lại từ chối hiệp lực với Nga khi quân đội của cả hai nước đang thực hiện hoạt động chiến sự tại những điểm "nóng" này?.
Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu”, chuyên viên phân tích chính trị Feodor Lukyanov không ngạc nhiên trước kiểu sự kiện ngược đời như thế. Ông nói, “vấn đề là ở chỗ cuộc đấu tranh chống khủng bố là mục tiêu rất chung, còn những nhiệm vụ thực tế mà cả Nga và Hoa Kỳ đang giải quyết ở Syria thì lại khác biệt. Và điều đó ngăn cản hai nước phối hợp nỗ lực của họ".
Theo lời ông Lukyanov, Matxcơva cho rằng cần hành động thuần túy trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và dành hỗ trợ cho nhà lãnh đạo chính trị hợp pháp của đất nước này. Trong khi đó Washington gọi Tổng thống Assad là "kẻ độc tài khát máu" và hướng tất cả cố gắng nhằm thay đổi chế độ ở Syria. Chính những hình dung khác nhau về cấu trúc tương lai của Syria bao hàm trong nền tảng sự bất đồng Nga-Mỹ về vấn đề Syria, — chuyên viên chính trị học khẳng định.
“Với những lợi ích khác nhau đến thế, khó lòng thiết lập bất kỳ sự hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ”, — chuyên viên quân sự Vladimir Evseev nhận xét. Theo quan điểm của ông, tuy vậy bất đồng chính trị sẽ không cản trở quân đội Nga và Hoa Kỳ hiệp đồng tác chiến. Và điều này, ít nhất cũng cho phép hy vọng rằng sẽ không xảy ra những trường hợp đáng tiếc như bắn nhầm hoặc đụng độ ngẫu nhiên.
Theo quan điểm của nhà phân tích, tình hình phần nhiều đang được phân định không chỉ bởi đường lối đối ngoại, mà cả chính sách đối nội của nội các Barack Obama. Ở nước Mỹ đang khởi động cuộc tranh cử Tổng thống và tình thế khó xử mà ban lãnh đạo Hoa Kỳ lâm vào sau khi Nga bắt đầu không kích triệt hạ căn cứ của bọn cực đoan vũ trang, đang buộc Tổng thống Obama loay hoay tìm cách “giữ thể diện". Theo đánh giá của chuyên viên Feodor Lukyanov, cố gắng này của ban lãnh đạo Barack Obama hiện chẳng mấy kết quả. Ông Obama trong các tuyên bố và ông Obama trong hành động hầu như là dạng phân thân thành hai nhân vật khác nhau. Nhưng kết cục cuối cùng đơn giản là mọi người không tin được ông ta nữa”, — nhà phân tích nêu nhận xét.
Nhưng dù sao chăng nữa liệu Nga và Hoa Kỳ rồi có thể thiết lập được sự phối hợp quân sự-chính trị, và đưa cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố đến thành công? Chuyên viên Dmitry Abzalov tin rằng không có con đường nào khác hơn, câu hỏi duy nhất chỉ là sự hiệp lực của hai nước sẽ được thực hiện trong hình thức như thế nào. "Chắc là các chính trị gia sẽ thỏa thuận phối hợp hoạt động mà không công bố. Hiệp lực là có thể, nhưng không phải trên bình diện công khai. Thậm chí không loại trừ rằng bây giờ đang có sự phối hợp như vậy”, — chuyên viên phân tích phán đoán.
Còn chuyên viên Vladimir Evseev nêu ý kiến rằng: "Theo cách nhìn của tôi, dù thế nào chăng nữa, ở Trung Đông sẽ diễn ra sự hợp tác chống khủng bố. Nhưng chỉ sau khi Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng có tân chủ nhân kế nhiệm ông Obama".