Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 9/1/2016 9:33'(GMT+7)

Vì sao I-ran và A-rập Xê-út kình địch nhau?

Cảnh sát I-rắc cầm ảnh chân dung của giáo sĩ dòng Si-ai Nim-rơ An Nim-rơ trong một cuộc biểu tình ở Bát-đa do người Hồi giáo dòng Si-ai ở I-rắc tổ chức. (Ảnh: AFP)

Cảnh sát I-rắc cầm ảnh chân dung của giáo sĩ dòng Si-ai Nim-rơ An Nim-rơ trong một cuộc biểu tình ở Bát-đa do người Hồi giáo dòng Si-ai ở I-rắc tổ chức. (Ảnh: AFP)

Nguồn gốc sâu xa là do sự ly giáo kéo dài hàng thế kỷ qua giữa người Hồi giáo dòng Xăn-ni, chiếm đa số tại A-rập Xê-út và người Hồi giáo dòng Si-ai, chiếm đa số ở I-ran. A-rập Xê-út tự nhận là quốc gia lãnh đạo dòng Hồi giáo Xăn-ni, trong khi I-ran coi mình là người bảo vệ cho những người Hồi giáo dòng Si-ai ở mọi nơi. Sự thù hằn, cạnh tranh giáo phái này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất đồng ở khu vực Trung Đông và càng khoét sâu các mâu thuẫn ở khu vực, mà xung đột bùng phát giữa I-ran và A-rập Xê-út là một ví dụ điển hình. 

Ngoài ra, theo bài phân tích trên trang mạng điện tử báo Nước Mỹ ngày nay, có 5 nguyên nhân dẫn đến những xung đột mới giữa I-ran và A-rập Xê-út hiện nay. Thứ nhất là “nhân tố Oa-sinh-tơn”. Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, A-rập Xê-út nhận được sự hỗ trợ lớn về quân sự từ Mỹ và chính sách đối ngoại của Mỹ bị chi phối không nhỏ bởi mối quan hệ đồng minh này. A-rập Xê-út có lợi khi Mỹ và I-ran bất hòa kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo I-ran năm 1979. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong năm 2015 khi I-ran và Nhóm P5+1, trong đó có Mỹ, đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Theo đó, Mỹ và các cường quốc khác phải gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với I-ran để đổi lấy việc I-ran tuân thủ những điều khoản của thỏa thuận. Đương nhiên, A-rập Xê-út không hài lòng với bản thỏa thuận vì nước này luôn lo sợ Tê-hê-ran sẽ tận dụng cơ hội để hỗ trợ những nhóm nổi dậy Hồi giáo dòng Si-ai gây bất ổn cho các chính quyền Hồi giáo dòng Xăn-ni. Ri-át cũng lo ngại I-ran sẽ sử dụng các nguồn thu mới để mua vũ khí phục vụ mục tiêu tham vọng của mình ở khu vực.

Nhân tố tiếp theo là Y-ê-men. Đây có thể được coi là ví dụ điển hình nhất cho cuộc “chiến tranh mượn tay kẻ khác” giữa A-rập Xê-út và I-ran. A-rập Xê-út đang dẫn đầu một liên minh quân sự trong khu vực để tiêu diệt các phiến quân nổi dậy Hu-thi thuộc dòng Si-ai, lực lượng đang đe dọa lật đổ chính quyền ở Y-ê-men. Trong khi đó, các phiến quân nổi dậy này lại được cho là đang nhận sự hậu thuẫn trực tiếp từ Tê-hê-ran.

Xy-ri cũng là một trở ngại khác khiến A-rập Xê-út và I-ran không thể có tiếng nói chung. I-ran được cho là hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Xy-ri An Át-xát trong cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua. Trong khi đó, A-rập Xê-út cùng với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hỗ trợ các nhóm nổi dậy người Xăn-ni chống lại Tổng thống An Át-xát.

Ngoài Xy-ri, “nhân tố I-rắc” cũng chi phối đáng kể quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đối thủ I-ran và A-rập Xê-út. Mặc dù I-rắc có đa số dân là người Hồi giáo dòng Si-ai, song trong hàng thập kỷ, I-rắc được điều hành bởi nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Xăn-ni Xát-đam Hút-xen cho đến khi xảy ra cuộc can thiệp quân sự do Mỹ khởi xướng năm 2003 lật đổ chế độ của ông Xát-đam Hút-xen. Hiện nay, chính quyền I-rắc do người Si-ai cầm trịch đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của I-ran. Vì vậy, A-rập Xê-út tỏ ra thận trọng với chính quyền I-rắc và đồng cảm với những người Hồi giáo dòng Xăn-ni, những người đang cảm thấy bị chính phủ xa lánh.

Nhân tố thứ 5 là dầu mỏ. Việc A-rập Xê-út kiên trì chính sách không cắt giảm sản lượng khai thác, bất chấp việc giá dầu thế giới sụt giảm nhằm bảo vệ thị phần của mình, được cho là sẽ gây bất lợi với I-ran. Sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ, dự kiến xuất khẩu dầu mỏ của I-ran sẽ gia tăng, nhưng trong bối cảnh giá dầu rẻ hiện nay, nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của I-ran, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo ước tính, một khi được quyền tiếp cận với thị trường thế giới, I-ran có khả năng xuất khẩu 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Theo các nhà phân tích, chính A-rập Xê-út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng phải chịu tổn thất từ tình trạng giá dầu sụt giảm. Nhưng nước này vẫn chấp nhận bởi một phần trong toan tính của Ri-át là họ không muốn làm điều có lợi có I-ran - quốc gia đang có tiềm năng trở thành một nhân tố chính trên thị trường dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ. A-rập Xê-út đang đặt cược rằng, khoản dự trữ tiền mặt lớn của họ sẽ cho phép nước này cầm cự lâu hơn và duy trì thị phần dầu mỏ hiện nay so với I-ran cùng các nước khác có nền kinh tế yếu kém hơn./.

Mai Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất