Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 6/8/2013 22:35'(GMT+7)

Việt Nam bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sáng 6/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Dự thảo nội dung Báo cáo tập trung vào kết quả thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã nhất trí theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 1 và những phát triển mới trong việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham dự của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp có tính đại diện rộng rãi, nhiều tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động tích cực trên các lĩnh vực liên quan đến quyền con người, các cơ quan, viện nghiên cứu về xã hội, đại diện nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của Liên hợp quốc và Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu đánh giá cao chất lượng Dự thảo Báo cáo cũng như nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, thể hiện rõ trong Dự thảo.

Các ý kiến cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế và thách thức trong việc đảm bảo quyền của những người thuộc nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, vấn đề bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em... Các ý kiến đóng góp sẽ được Nhóm soạn thảo tổng hợp, bổ sung vào Dự thảo Báo cáo. Các cá nhân, tổ chức có thể tiếp tục đóng góp ý kiến đến hết ngày 15/8/2013.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế khẳng định: “Việc tổ chức lấy ý kiến tham vấn của tất cả các bên liên quan không chỉ là nghĩa vụ theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về quy trình soạn thảo Báo cáo UPR, mà còn là cơ hội để cùng trao đổi, đối thoại về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người, những thành tựu đạt được và những thách thức cần giải quyết, qua đó giúp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR của Việt Nam trở nên cân bằng, toàn diện và phản ánh sát với tình hình thực tế đảm bảo quyền con người ở Việt Nam”./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất