Để tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, Việt Nam cần có chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hội tụ nhiều công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), kết nối vạn vật (Internet of Things), trí thông minh nhân tạo (AI)...
Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong phát triển giá trị quyền SHTT. Quyền SHTT sẽ trở thành công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của công nghệ đối với các chủ thể khiến mọi tổ chức, doanh nghiệp phải tìm cách tạo ra, nắm và sở hữu tài sản trí tuệ để phát triển bền vững.
Việt Nam cần có chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả. (Ảnh minh họa: KT).
Đối với doanh nghiệp, giá trị tài sản trí tuệ ngày càng lớn hơn so với giá trị các tài sản hữu hình khác, điều này được minh chứng qua các tập đoàn đa quốc gia như Apple, Google, IMB...
Việt Nam tuy đã có hệ thống pháp lý đầy đủ về SHTT, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng để hệ thống đó phát huy hiệu quả cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường và sử dụng các quyền SHTT, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Do đó, việc nâng cao nhận thức để xây dựng, bảo vệ, khai thác và phát triển tốt tài sản trí tuệ là cơ sở để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận và phát triển bền vững, không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các thị trường nước ngoài. Đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
|
Ông Trần Lê Hồng, Chánh Văn phòng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Ông Trần Lê Hồng, Chánh Văn phòng Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, quyền SHTT là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng nhưng việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp nên việc nâng cao nhận thức về SHTT đặc biệt quan trọng.
"Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về SHTT và đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Ngoài ra, để từng bước định hình và giải quyết các vấn đề liên quan đến SHTT nên bắt đầu từ nhà trường", ông Trần Lê Hồng đề xuất.
Cục SHTT đang triển khai nhiều giải pháp, bao gồm xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Theo đó, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống SHTT Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát huy được tiềm năng, giá trị của tài sản trí tuệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam, xuất khẩu nguyên liệu thô hay gia công sản phẩm không còn là thế mạnh giúp nền kinh tế phát triển đột phá và bền vững.
Hơn lúc nào hết các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần sử dụng SHTT như động lực cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp khẳng định, toàn cầu hóa thực sự là cơ hội vàng nếu nắm được cơ hội và có đủ hành trang kiến thức để sẵn sàng nắm bắt, tuy nhiên đây cũng là thách thức vô cùng to lớn nếu chưa đủ kiến thức, trí tuệ và năng lực sáng tạo để vượt qua thử thách đầy cạnh tranh và chông gai này.
"Để tận dụng tối đa cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực mang lại, chiến lược bảo vệ quyền SHTT phải phát huy hiệu quả thì sự phát triển mới bền vững", bà Lê Thị Khánh Vân nhấn mạnh./.
Theo vov.vn