Thứ Bảy, 23/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 20/7/2022 10:30'(GMT+7)

Việt Nam cần khoảng 370 tỷ USD cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” giai đoạn 2022 - 2040

Lễ công bố báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR). (Ảnh: Ngân Hà).

Lễ công bố báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR). (Ảnh: Ngân Hà).

Vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ công bố báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển (CCDR).

Đây là báo cáo đầu tiên trong chuỗi báo cáo cấp quốc gia về khí hậu và phát triển do Nhóm Ngân hàng Thế giới soạn thảo.

Báo cáo đã phân tích các thách thức về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đồng thời, đưa ra khuyến nghị về các hành động chính sách cần được ưu tiên trong tương lai.

Báo cáo chỉ rõ, Việt Nam đang ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu lên sự phát triển của đất nước và hiện đang phải trả lời những câu hỏi quan trọng về giải pháp ứng phó.

Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12%-14,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP) mỗi năm từ năm 2050 trở đi và có thể khiến một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Do đó, để giúp đất nước cân bằng các mục tiêu phát triển với rủi ro khí hậu ngày càng tăng, báo cáo đề xuất Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách kết hợp hai lộ trình quan trọng đó là xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon.

Nếu được thiết kế hiệu quả thì hai lộ trình này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn giúp thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng 5%/năm - tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040.

Việc bù đắp thiếu hụt kinh phí liên quan đến lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon sẽ đòi hỏi có sự phân bổ lại tiết kiệm từ khu vực tư nhân trong nước sang các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.

Để hoàn thành mục tiêu thích ứng và giảm thiểu của Việt Nam, WB khuyến nghị Việt Nam cần có đầu tư công và đầu tư tư nhân kịp thời, để thực hiện chương trình cấp vùng có điều phối cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình đầu tư tăng khả năng chống chịu ven biển tích hợp cho các trung tâm đô thị chính và chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí có mục tiêu ở Hà Nội./.

Ngân Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất