Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 24/7/2014 10:33'(GMT+7)

Việt Nam cần quy hoạch nhân lực ngành năng lượng nguyên tử

Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ về thực trạng và tổng hợp nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên đến năm 2020 trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó có nhu cầu nhân lực cho phát triển điện hạt nhân, Việt Nam có khoảng 1.300 người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với 42 lĩnh vực chuyên môn, công việc khác nhau. 


Trong tổng số này, khoảng 350 người (chiếm khoảng 25%) tốt nghiệp các chuyên ngành hạt nhân như kỹ thuật hạt nhân, vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, điện hạt nhân, hóa phóng xạ…


Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, để đáp ứng nhiệm vụ theo Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, cần có 6.000 người có trình độ từ đại học trở lên làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (bao gồm cả điện hạt nhân).


Số lượng nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của các bộ, ngành, địa phương là 1.300 người. 


Do đó, để có được con số 6.000 người đến năm 2020, ước tính cần tổ chức đào tạo và tuyển dụng mới khoảng 5.000 người (bao gồm cả nguồn nhân lực bù cho số cán bộ sẽ về hưu từ nay đến năm 2020).


Tuy nhiên, theo đánh giá trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), số người cần đào tạo và tuyển dụng mới cho các chuyên ngành hạt nhân chỉ chiếm khoảng 22% (khoảng 1.100 người).


Số còn lại là nhân lực tốt nghiệp các chuyên ngành phi hạt nhân có thể tuyển dụng từ các nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước như hiện nay các bộ, ngành vẫn đang thực hiện.


Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, từ năm 2012 đến nay, căn cứ thỏa thuận hợp tác với Bộ Phát triển nguồn nhân lựcHungary, Bộ Giáo dục và đào tạo đã cử 157 (trên tổng số 500 lượt người theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử - Đề án 1558) cán bộ giảng viên của các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đi bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.


Bộ Khoa học và Công nghệ đã cử gần 20 người đi đào tạo ngắn hạn tại Hàn Quốc, Liên bang Nga, đang làm thủ tục gửi tiếp cán bộ đi đào tạo ngắn hạn ở Liên bang Nga. 


Bộ đã thành lập Trung tâm thông tin về năng lượng nguyên tử đặt tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; xây dựng mạng lưới các trường cam kết chia sẻ tài nguyên về chương trình, tài liệu, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…


Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần phải xác định chính xác nhu cầu nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân đến năm 2020, đến năm 2030; nhu cầu nhân lực cho Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân sắp xây dựng, nhu cầu nhân lực cho các bộ, ngành trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài nguyên môi trường, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, trong phát triển ngành công nghiệp hạt nhân.


Chỉ trên cơ sở số liệu chính xác về nhu cầu nhân lực này mới có thể xây dựng được kế hoạch tổng thể và lộ trình đào tạo nguồn nhân lực ở trong nước.


Sau khi nghe báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh và ghi nhận tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc của các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. 


Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được Đảng, Nhà nước bàn vì vậy cần chuẩn bị cả về pháp lý, tài chính, kỹ thuật, nhân lực để tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân.


Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần nghiên cứu nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Hướng đào tạo cần phân định rõ theo hai hướng là đào tạo ngay từ đại học và đào tạo sau đại học. Công tác đào tạo theo hướng không chỉ cho nhà máy mà còn phân công về giảng dạy, nghiên cứu, công tác tại các bộ, ngành, vì nhu cầu về nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam là rất lớn.


Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án về đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong nước với việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để triển khai.


Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án 1558 và dự án đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.


Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện thí điểm tại 1-2 trường, lồng ghép với các chương trình đào tạo có liên quan.../.

Theo VN+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất