Thứ Bảy, 30/11/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 1/4/2011 13:46'(GMT+7)

Việt Nam có thể kiểm soát nhiễm xạ trong thực phẩm

TS. Trịnh Văn Giáp – Viện trưởng Viện KH&KT Hạt nhân

TS. Trịnh Văn Giáp – Viện trưởng Viện KH&KT Hạt nhân

 

TS. Giáp cho biết: “Chúng ta có đủ các thiết bị để tiến hành kiểm soát phóng xạ (nếu có) trong thực phẩm nhập khẩu. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay”.

Người dân đang hết sức lo ngại trước thông tin nước ta vẫn chưa có đủ các thiết bị dò tìm và phát hiện chất phóng xạ trong thực phẩm nhập khẩu từ Nhật. Ý kiến của Viện trưởng về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, tôi có thể khẳng định rằng, VN đã có các thiết bị phát hiện phóng xạ trong môi trường cũng như trong lương thực, thực phẩm từ những năm 80. Việc phân tích phát hiện ra hàm lượng phóng xạ - dù rất nhỏ trong thực phẩm nhập khẩu là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Trước đây, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cũng đã làm rất nhiều các phân tích hàm lượng phóng xạ trong môi trường tự nhiên. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung theo dõi các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố rò rỉ hạt nhân tại Nhật Bản.

Các thiết bị này hoàn toàn có thể nhận biết một cách nhanh chóng loại thực phẩm nào có hàm lượng phóng xạ vượt giới hạn cho phép. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo ngại về vấn đề này.

Một số mẫu xét nghiệm tại Viện KH&KT Hạt nhân.

Một số mẫu xét nghiệm tại Viện KH&KT Hạt nhân.

Tin từ tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ KH&CN ngày 30.3 cho biết: “Những ngày sắp tới những đám mây nhỏ có thể đi qua khu vực Lào, VN và Campuchia nhưng rất khó phát hiện sự ảnh hưởng của nó đến nền phông phóng xạ hiện tại ở VN, vì nồng độ hạt nhân phóng xạ rất nhỏ, không thể làm thay đổi nền phông phóng xạ. Do vậy không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Các kết quả quan trắc cũng cho thấy, chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 30.3 so với giá trị từ 17.12.2010 tới 29.3.2011.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã tiến hành phân tích mẫu lương thực thực phẩm để phát hiện nhiễm xạ hay không chưa, thưa Viện trưởng?

Tất cả các thiết bị phân tích đều đã sẵn sàng. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn chưa có mẫu phân tích vì còn phụ thuộc vào việc lấy mẫu lương thực thực phẩm của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân chỉ là đơn vị kỹ thuật phối kết hợp để phân tích việc có hay không hàm lượng phóng xạ trên số mẫu được chọn.

Chi phí xét nghiệm những loại thực phẩm nhập khẩu liệu có “đắt đỏ” không thưa ông?

Chi phí xét nghiệm các mẫu sẽ tuân thủ đúng giá quy định theo Thông tư liên ngành giữa Bộ Tài chính, Bộ Y tế chứ không có việc tự đặt giá cao hay thấp. Người dân và doanh nghiệp có thể yên tâm về điều này.

Về đám mây phóng xạ, Viện trưởng có thể cập nhật tình hình hiện nay ở nước ta như thế nào?

Ở VN hiện nay có 4 trạm đã phát hiện đồng vị phóng xạ nhân tạo (I-131) có nguồn gốc từ các lò phản ứng hạt nhân. Đó là các trạm Hà Nội đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân; trạm tại Lạng Sơn, trạm tại TP. HCM và trạm tại Đà Lạt. Riêng tại Hà Nội và Lạng Sơn đã phát hiện thêm đồng vị CS-137.

Tuy nhiên, hàm lượng phóng xạ này nhỏ hơn giới hạn cho phép hàng nghìn lần nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Xin cảm ơn Viện trưởng!


Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất