Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc 5 ngày (28/9-2/10) của phái đoàn
Việt Nam do Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân dẫn đầu tại
Israel, quan chức hai nước đã tiến hành khóa họp đầu tiên của Ủy ban
liên chính phủ về hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật và ký biên bản thỏa
thuận nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Israel.
Phát biểu tại lễ ký kết với Bộ trưởng Kinh tế Israel Naftali Bennett, Bộ
trưởng Nguyễn Quân khẳng định cốt lõi của mối quan hệ kinh tế, thương
mại giữa Việt Nam và Israel là khoa học công nghệ, đồng thời mong muốn
hợp tác toàn diện hơn với Israel trong lĩnh vực này.
Cụ thể, hai bên sẽ không chỉ trao đổi các nhà khoa học mà còn mở rộng
sang các lĩnh vực khác như đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Việt Nam hy vọng hợp tác với Israel trong hai lĩnh vực: kỹ
thuật-công nghệ cao trong nông nghiệp và an toàn-an ninh mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho
các doanh nghiệp Israel đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực
công nghệ cao.
Kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1993, sự hợp tác giữa hai nước đã có
những bước phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực song chưa xứng với tiềm
năng của cả hai bên. Phía Việt Nam mong muốn sớm đàm phán và ký kết Hiệp
định Thương mại tự do với Israel.
Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Israel Naftali Bennett kỳ vọng kim ngạch
thương mại song phương sẽ vượt xa con số xấp xỉ 1 tỷ USD/năm hiện nay.
Theo ông, Việt Nam nắm giữ nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu Israel.
Cuộc họp cấp cao kinh tế lần này giữa hai nước sẽ mở đường cho các nhà
xuất khẩu Israel khác và tạo đòn bẩy cho mối quan hệ kinh tế với Việt
Nam, giúp Israel giành được chỗ đứng vững chắc hơn ở châu Á và trên thế
giới.
Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bennett, Tham tán thương mại kinh tế Israel
tại Việt Nam Tzafrir Assaf cho biết Việt Nam đã trở thành điểm đến rất
hấp dẫn đối với các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ.
Người Việt Nam không chuộng các sản phẩm công nghệ rẻ tiền và sẵn sàng đầu tư cho những giải pháp tin cậy và đổi mới của Israel.
Các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ đã thành công trong việc thâm nhập vào thị
trường Việt Nam với sự giúp đỡ của các nhà phân phối địa phương. Kinh tế
Việt Nam cung cấp cho các doanh nghiệp Israel những cơ hội to lớn và
chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Quân nhằm tạo đòn bẩy cho những cơ hội
này.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Israel, kim ngạch xuất khẩu của nước này
sang Việt Nam đạt 702 triệu USD năm 2013 và 745 triệu USD năm 2012;
trong khi nhập khẩu 413,2 triệu USD năm 2013 và 318 triệu USD năm 2012.
Số liệu này cho thấy kim ngạch nhập khẩu của Israel từ Việt Nam đã gia
tăng khoảng 30%, chủ yếu gồm các sản phẩm viễn thông, nông nghiệp, dệt
may; trong đó nhập khẩu hàng dệt may và dày dép tăng mạnh nhất. Những
mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Israel là điện tử, hóa phẩm, phân bón,
sơn và các sản phẩm viễn thông.
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu được công bố mới được công bố của Diễn đàn
Kinh tế Thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ 68 trên tổng số 144 quốc gia.
Báo cáo này cho rằng Việt Nam là một thị trường đang phát triển với dân
số có trình độ cao và có tỷ lệ lao động nữ đông đảo tham gia lực lượng
lao động, những nhân tố kết hợp để xác định Việt Nam là một "con hổ châu
Á" về tăng trưởng (tăng trưởng dự kiến năm nay là 5,5%). Tuy nhiên,
Việt Nam chưa tạo được điểm nhấn về công nghệ./.
Bùi Hoàn (Vietnam+)