Thứ Tư, 16/10/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 9/11/2018 11:41'(GMT+7)

Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia

Ảnh minh họa. (Nguồn: Stuff)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Stuff)

Ngày 9/11, lần đầu tiên, Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia được trình trước Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

Dự án luật này đang rất được quan tâm bởi không chỉ liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe của người dân mà còn liên quan tới cả các khía cạnh kinh tế, văn hóa.

DOANH NGHIỆP KHÔNG MUỐN BAN HÀNH LUẬT

Hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016.

Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại. Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các Tổ chức phi chính phủ đối với Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/11 ở Hà Nội.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia đang chịu rất nhiều tác động từ các doanh nghiệp do vấn đề sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và sức khỏe của người dân Việt Nam.

Các đại biểu trả lời báo chí tại Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu bia bày tỏ mong muốn không ban hành Luật do lo sợ ảnh hưởng đến sức mua, thị trường, doanh thu và sản xuất.

TS. Nguyễn Huy Quang thẳng thắn: “Doanh nghiệp muốn không cần Luật, chỉ cần truyền thông mạnh mẽ để thay đổi hành vi, thói quen sử dụng của người dân. Tuy nhiên để thực hiện truyền thông, cần phải có kinh phí chứ không phải mỗi năm chúng tôi chỉ được cấp khoảng 200-300 triệu đồng cho tuyên truyền tác hại của rượu bia”.

Dù vấp phải nhiều khó khăn, song vị đại diện Bộ Y tế khẳng định sẽ cố gắng thực hiện cam kết quốc tế thông qua các con số cụ thể.

Trước đó, trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20- 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030.

Song theo thừa nhận của ông Nguyễn Huy Quang, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động.

BIA RƯỢU KHÔNG CÓ NGƯỠNG GỌI LÀ AN TOÀN

Vị đại diện Bộ Y tế cho hay, trong vòng ba tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế (như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu...) gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Các tổ chức khuyến nghị kêu gọi chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

Bên cạnh đó là các góp ý cụ thể về tên Luật, theo đó đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ: “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

TS. Nguyễn Huy Quang dẫn chứng như có những ý kiến muốn thêm hai từ “lạm dụng” vào luật, điều này dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu rằng chỉ khi lạm dụng mới gây hại. "Nhưng thực tế, bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn. Chỉ cần vài chén rượu, có trạng thái 'biêng biêng' khi tham gia giao thông đã có thể gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác", ông Quang lập luận.

WHO đã chứng minh không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Hơn nữa, mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.

“Việc thay đổi sang các tên khác như Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự thảo luật", ông Quang phân tích.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh - tổ chức Health Bridge đề xuất, cần kiểm soát chặt quảng cáo rượu bia. Cụ thể, khi quảng cáo rượu bia trên báo hình, báo nói bị giới hạn, chỉ được phép thực hiện từ 22 h đến 6 h sáng ngày hôm sau nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm rượu bia có độ cồn từ 5 đến 15%.

Về những giải pháp để hạn chế sử dụng rượu bia, bà Hoàng Anh nhấn mạnh, cần cấm bán rượu bia trên mạng internet và máy bán tự động, không bán rượu trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng là những nội dung quan trọng dựa trên bằng chứng quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cần được củng cố trong Dự thảo Luật./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất