Thứ Hai, 11/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 20/1/2017 14:43'(GMT+7)

Việt Nam đang phát triển năng động và hội nhập ngày càng sâu rộng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ của Hội nghị lần thứ 47 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, chiều 19/1 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực."

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ một trong những định hướng của Việt Nam là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, sáng tạo, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thông tin đến các đại biểu tham dự phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có nền kinh tế thị trường, đang phát triển năng động và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Việt Nam hiểu rằng không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên đang tập trung vào một số định hướng quan trọng. Đó là đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó là đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp. Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập trong một năm, tương đương với 12 doanh nghiệp mới được ra đời trong 60 phút.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp, hỗ trợ khoảng 600 doanh nghiệp với 2.000 dự án trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới. Bên cạnh đó, định hướng của Việt Nam là đẩy mạnh hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở trong nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN, đã ký 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 Hiệp định FTA mới, trong đó có Hiệp định RCEP, ủng hộ hợp tác phát triển hạ tầng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hợp tác Mekong-Lan Thương, hợp tác “Một vành đai, Một con đường." Điều đó giúp Việt Nam tiếp cận thị trường của 55 đối tác, gồm các Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và 15/20 thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung." Các hoạt động và hội nghị của APEC 2017 sẽ tập trung thảo luận việc thúc đẩy liên kết kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng khẳng định đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, kết nối hợp tác đầu tư, thương mại./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất