Chủ Nhật, 22/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 12/1/2015 22:39'(GMT+7)

Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nhiều ông chủ tư nhân vẫn đang giàu lên nhanh chóng

Nếu cho rằng, kinh tế tư nhân đang ngày càng bị teo tóp, doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng đuối sức, "chết chìm", thì đó là cái nhìn phiến diện và quá bi quan. Theo thống kê của Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect, năm 2014 (tính đến hết ngày 25-12-2014) trên sàn chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện thêm 80 “triệu phú đô-la”. Tổng số cá nhân có tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị tương đương 1 triệu USD trở lên đã là 395 người. Trong đó, người giàu nhất trên sàn chứng khoán là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có khối tài sản chính thức bằng cổ phiếu lên tới hơn 19.722 tỷ đồng. Đứng thứ hai là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, có tài sản bằng cổ phiếu là hơn 7.026 tỷ đồng. Đứng thứ ba là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, có tài sản bằng cổ phiếu hơn 5.810 tỷ đồng…

Trong năm 2014, trong số 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thì có ít nhất 53 người có tài sản tăng thêm. Trong đó, ông Trần Đình Long có tài sản tăng thêm 1.657 tỷ đồng, ông Đoàn Nguyên Đức có tài sản tăng thêm là 639 tỷ đồng. Thậm chí ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, có tài sản chứng khoán tăng thêm tới hơn 16 lần (hơn 776 tỷ đồng năm 2014, so với hơn 48 tỷ đồng năm 2013)…

Thống kê cũng cho thấy, người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2014 đã giàu hơn người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2006 đến hơn 8 lần (19.722 tỷ đồng so với 2.354 tỷ đồng). Người đứng cuối cùng trong tốp 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2014 cũng giàu hơn người đứng cuối cùng trong tốp 100 năm 2006 đến gần 3 lần (hơn 122 tỷ đồng so với hơn 43 tỷ đồng). Tổng trị giá tài sản của tốp 100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2014 đạt 81.680 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013, hơn trị giá tài sản của tốp 100 năm 2006 đến gần 2,4 lần. Như vậy, có thể thấy các ông chủ tư nhân của Việt Nam vẫn đang có xu hướng giàu lên khá nhanh.

Với quy mô và sự sang trọng của dự án khu đô thị rất lớn mà Tập đoàn Vingroup đã liên tiếp thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn là Royal City, Time City, Vinhomes tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, rồi các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn này ở Nha Trang, Phú Quốc và những dự án lớn mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sang Lào… nhiều người chắc hẳn phải ngạc nhiên về tiềm lực của các doanh nghiệp tư nhân.

Có thể thấy, giai đoạn 2012-2014, kinh tế đất nước phải đối mặt với rất nhiều thử thách từ cơn suy thoái của kinh tế thế giới. Trong giai đoạn này, mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản, mà phần không nhỏ là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, năm 2014 vừa qua, kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, vì thế, doanh nghiệp Việt Nam đã bớt khó khăn hơn. Tăng trưởng GDP của cả nước năm 2014 ở mức 5,98%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2014 chỉ tăng 4,09% so với bình quân năm 2013. Cùng với sự phục hồi của cả nền kinh tế thì doanh nghiệp tư nhân cũng đang trong giai đoạn phục hồi.

Trong một lần trao đổi với tôi, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong kinh tế thị trường thì chuyện doanh nghiệp ra đời và phá sản là một quá trình thường xuyên. Theo ông, không nên quá hoảng hốt vì số lượng doanh nghiệp phá sản, bởi hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản nhưng cùng lúc đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp khác lại ra đời. Điều cần thiết là phải nghiên cứu, phân tách rõ các doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp nào, tiềm lực ra sao, khả năng đóng góp cho kinh tế đất nước đến đâu. Khó khăn kinh tế tạo ra sự đào thải thông minh, chỉ những doanh nghiệp tốt mới tồn tại. Và lực lượng lao động sẽ dịch chuyển sang những doanh nghiệp ấy.

Đẩy mạnh cải cách thể chế để nâng đỡ kinh tế tư nhân

Về mặt chiến lược, Đảng và Nhà nước ta ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VI (1986). Đến Đại hội Đảng X (2006), Đảng đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân (trừ những đảng viên đang công tác trong lực lượng vũ trang và trong các cơ quan Nhà nước thì không được mở công ty tư nhân vì liên quan đến việc chống tiêu cực, tham nhũng). Điều này thể hiện rõ việc Đảng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của kinh tế tư nhân, nhìn nhận đúng nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là phát triển kinh tế, xây dựng “dân giàu, nước mạnh”. Nó mở ra cơ hội để người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân có thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến Đại hội XI (2011), Đảng ta thể hiện rõ hơn nữa quan điểm cởi mở, sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân “phát triển mạnh”. Văn kiện Đại hội XI nêu rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước”. Theo quan điểm của Đảng thì kinh tế tư nhân hay bất cứ thành phần kinh tế nào cũng đều bình đẳng trước pháp luật: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”.

Chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ của Đảng đã được cụ thể hóa bằng rất nhiều các luật mang tính chất cải cách, tiến bộ đã được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây như Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Phá sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…
Có lẽ chưa bao giờ thể chế kinh tế lại thuận lợi, môi trường sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam lại thông thoáng như hiện nay. Công dân được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không ngăn cấm. Và danh sách các ngành nghề bị cấm cũng được thu hẹp hết cỡ, chỉ còn 6 ngành nghề kinh doanh không thể không cấm, bởi liên quan đến ma túy, mại dâm, mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người… Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), việc đăng ký doanh nghiệp chỉ còn mất tối đa 3 ngày làm việc. Thủ tục cũng được tiết giảm tối đa, ví dụ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân chỉ cần giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên.

Phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung cải cách mạnh thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển, nhất là khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì nhận định, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế chính là liên quan đến việc phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam. Bởi theo Bộ trưởng, xét cho cùng, bất cứ quốc gia nào muốn đi lên cũng phải phát triển hệ thống doanh nghiệp nội địa, chứ không thể coi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chủ thể của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận rằng, các luật được thông qua nêu trên có thể sẽ tạo ra một làn sóng mới về đầu tư và thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới. Bà Victoria Kwakwa (Vích-to-ri-a Qua-qua), Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng, các luật trên là một bước tiến nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng về hành chính và cấp phép, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân. “Việt Nam đang hết sức nỗ lực, qua đó đã tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn so với các nước có cùng trình độ phát triển”, bà nhìn nhận.

Các đánh giá, xếp hạng của quốc tế thời gian qua cũng đều có cái nhìn tích cực về sự cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo cập nhật về môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10-2014 đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/185. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đều đồng loạt nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá là triển vọng ổn định).

Tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng

Các chuyên gia quốc tế đánh giá rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, lấy các nước ASEAN 6 làm chuẩn so sánh để cải cách thủ tục hành chính là bước ngoặt về tư duy và cách tiếp cận. Các lĩnh vực được chọn để thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính là thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, đất đai cũng rất đúng hướng.

Vấn đề được nhắc đến nhiều là tương quan thiếu cân bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề này đang được tích cực giải quyết bằng quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đặt doanh nghiệp Nhà nước trong thế cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp tư nhân. Quá trình cổ phần hóa đã giúp thu hẹp số lượng doanh nghiệp Nhà nước. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Số lượng này còn khá ít. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân sẽ bớt đi được nhiều đối thủ cạnh tranh trong thời gian tới. Chính phủ đang tạo ra các chính sách giúp doanh nghiệp tư nhân có cơ hội công bằng với các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó quan trọng là các vấn đề tiếp cận tín dụng, đất đai và tiếp cận các dự án mua sắm công.

Nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng, Chính phủ đã cho thành lập quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (trong đó chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân). Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đã đề xuất Chính phủ dành nguồn lực thỏa đáng và sớm vận hành quỹ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này sẽ không chỉ bảo lãnh mà trực tiếp cho vay với cơ chế đơn giản và thân thiện hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo tính toán của ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cần khoảng 200.000 tỷ đồng.

Hiện nay, cơ hội để doanh nghiệp tư nhân được thực hiện các dự án hạ tầng bằng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đang được mở ra. Nếu điều này được thực hiện thì sẽ giúp cho các nguồn vốn vay ODA được giải ngân nhanh hơn và các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ có nguồn vốn dồi dào để hoạt động với lãi suất thấp.

Như vậy, có thể thấy việc nâng đỡ, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp tư nhân nằm trong định hướng chiến lược và đã được thể hiện bằng hành lang pháp lý và những chính sách cụ thể tại Việt Nam. Do đặc điểm lịch sử và hoàn cảnh hiện tại nên doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa phát triển mạnh mẽ được như mong muốn. Nhưng chắc chắn rằng, sự hưng thịnh của kinh tế tư nhân sẽ gắn liền với sự phồn vinh, giàu mạnh của Việt Nam trong tương lai./.

Hồ Quang Phương (QĐND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất