Đến năm 2035, Việt Nam sẽ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ
cao, chế tạo robot, thiết bị thông minh, hệ thống vi cơ điện tử, hệ
thống nano cơ điện tử, phần mềm điều khiển máy CNC và các sản phẩm cơ
điện tử.
Bộ Công Thương vừa ban hành
Quyết định số 4772 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương
mại Vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ đến 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Quy hoạch nhằm xây dựng các mối liên kết trong phát triển
công nghiệp, thương mại khu vực vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ với hai
hành lang kinh tế trong tổng thể chương trình hợp tác Hai hành lang,
nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vành đai kinh tế phục vụ
cho phát triển công nghiệp, thương mại của các địa phương trong khu vực
nói riêng và của vành đai kinh tế nói chung.
Về các mục tiêu cụ thể, Quy hoạch xác định tăng trưởng bình
quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 11,0%
- 11,5%/năm; giai đoạn 2021- 2025 đạt khoảng 12,0% - 12,6%/năm.
Cụ thể, định hướng phát triển nêu rõ sẽ phát triển công
nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành
công nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát
triển cụm ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; phát triển theo chiều
sâu và chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia để
tiếp nhận công nghệ hiện đại và từng bước tham gia vào trong chuỗi cung
ứng toàn cầu.
Trong giai đoạn đến năm 2025, ngành điện tử, CNTT
sẽ thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện
tử, viễn thông và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ
sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử,
thiết kế mạch in, chip điện tử, bo mạch điều khiển, phần mềm các loại và
linh kiện kim loại, linh kiện nhựa, cao su cung ứng cho các nhà sản
xuất lắp ráp trong nước và xuất khẩu.
Đối với tầm nhìn đến năm 2035 sẽ đầu tư các dự án sản xuất
sản phẩm công nghệ cao, chế tạo ro-bot, thiết bị thông minh, hệ thống vi
cơ điện tử, hệ thống nano cơ điện tử, phần mềm điều khiển máy CNC và
các sản phẩm cơ điện tử.
Quy hoạch của Bộ Công thương cũng đưa ra giải pháp phát
triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện
tử và cơ khí chế tạo, coi đây như một khâu đột phá nhằm góp phần nâng
cao giá trị tăng thêm, đáp ứng nhu cầu về kinh kiện, phụ tùng cho sản
xuất trong nước và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Theo ICTnews