Báo cáo năm 2019 của InterNations GmBh
(mạng xã hội lớn nhất dành cho người sinh sống và làm việc tại nước
ngoài với 3,6 triệu người dùng tại 420 thành phố trên 187 quốc gia và
vùng lãnh thổ) cho biết: Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách các quốc
gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài nên chọn để sinh sống, làm việc.
Cụ thể hơn, mạng xã hội này nhận xét: “Không nơi nào tốt hơn Việt Nam về
tài chính và công việc cho người nước ngoài. Quốc gia này đứng đầu về
cả hai chỉ số trên. Cùng với đó, với việc cải thiện chất lượng sống và
dễ dàng an cư lập nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong tốp ba, đứng
vị trí thứ hai của bảng xếp hạng”. Được biết, để bảo đảm tính khách quan
trong quá trình thực hiện báo cáo này, InterNations GmBh đã lập bảng
đánh giá chi tiết gồm 48 tiêu chí, và tổng số cá nhân được khảo sát lên
đến 20.259 người.
Dù chỉ mang ý nghĩa tham khảo nhưng các đánh giá tích cực của
InterNations GmBh khi đề cập Việt Nam đã phần nào phản ánh đúng về một
thực tế đang diễn ra. Đó là, bên cạnh sự tăng trưởng đều đặn về vốn đầu
tư từ các công ty và tập đoàn quốc tế, Việt Nam thật sự là một địa chỉ
hấp dẫn, thu hút nhiều người nước ngoài tới sinh sống, làm việc.
Năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Đối ngoại của
Quốc hội đã báo cáo Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện
chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt
Nam”, trong đó cho biết từ năm 2013 đến nay, có 141.042 người từ nhiều
quốc gia sở hữu thẻ tạm trú tại Việt Nam; trong đó lao động là 85.526
người, đầu tư là 14.775 người, thăm thân nhân là 38.799 người.
Còn số
liệu từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, số
lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam lên đến 92.100 người. Dự
đoán của cơ quan này cho biết, tốc độ gia tăng của người lao động nước
ngoài tại Việt Nam sẽ tiếp tục giữ mức 20% trong những năm tiếp theo.
Đáng chú ý, trong sự gia tăng của người nước ngoài ở Việt Nam, có một bộ
phận đáng kể là người gốc Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới nay trở
về đất nước để làm ăn, sinh sống.
Thực tế nhiều năm qua, mối quan tâm
của người Việt ở nước ngoài với nền kinh tế trong nước đã được khẳng
định bằng sự tăng trưởng vượt bậc của dòng tiền kiều hối hằng năm. Hiện
nay, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế
giới. Trong đó, bên cạnh nguồn kiều hối gửi truyền thống của người Việt ở
nước ngoài và người lao động xuất khẩu, còn có dòng tiền đáng kể thu về
từ đầu tư sản xuất, kinh doanh trên thương trường thế giới.
Tuy nhiên,
việc người Việt ở nước ngoài, người lao động có trình độ cao hiện đang
làm việc tại các tập đoàn quốc tế trở về Việt Nam để sinh sống, lập
nghiệp chỉ mới thật sự thành chủ đề nóng trong một vài năm trở lại đây.
Năm 2014, tại bài phỏng vấn “Phương Tây một giấc mơ hời hợt” đăng trên Báo Lao động,
Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang từng gây ra một cuộc tranh
luận kéo dài không chỉ trên các phương tiện truyền thông mà còn trên
mạng xã hội. Bởi lẽ khi đó, không nhiều người dám tin tưởng và lạc quan
vào quan điểm của TS Đặng Hoàng Giang khi ông cho rằng: “Ở Việt Nam,
người ta có thể thử nghiệm bản thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Nhưng theo thời gian, những dự đoán, nhận định của TS. Đặng Hoàng Giang
đã và đang khẳng định được tính chính xác.
Trở về Việt Nam từ U-crai-na,
một số doanh nhân như ông Lê Viết Lam (Sáng lập viên, Chủ tịch Tập đoàn
Sun Group) hay Phạm Nhật Vượng (Sáng lập viên, Tập đoàn Vingroup) đã
xây dựng nên những tập đoàn đa ngành có giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Từ
Mỹ, vợ chồng doanh nhân trẻ Vũ Xuân Sơn (Sonny Vũ) và Lê Diệp Kiều Trang
(Chirsty Lê) đang từng bước khẳng định danh tiếng của họ trên thương
trường Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các công ty start-up (khởi nghiệp
sáng tạo) trong nước. Ít ai ngờ rằng đứng sau thành công của các thương
vụ kêu gọi vốn cho các tập đoàn danh tiếng như Traphaco, FPT, Masan,…
thì nhân sự chủ yếu của công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên về vốn cổ phần
chưa niêm yết Mekong Capital lại là một số người Việt ở nước ngoài và
cựu du học sinh Việt Nam.
Bên cạnh đội ngũ doanh nhân, nhiều người gốc
Việt trẻ đã chọn Việt Nam là nơi sinh sống, làm việc của mình. Và trong
môi trường nghệ thuật, giải trí, có thể nhắc đến những cái tên đình đám
như: đạo diễn Victor Vũ, diễn viên Ngô Thanh Vân, diễn viên Dustin
Nguyễn hay Johny Trí Nguyễn… Nhiều ca sĩ đã khẳng định được danh tiếng
hoặc có thời gian tu nghiệp, biểu diễn trong cộng đồng người Việt Nam ở
nước ngoài cũng đã quyết định trở về, gắn bó với đời sống âm nhạc tại
Việt Nam như trường hợp nam ca sĩ Tuấn Ngọc, hoặc các ca sĩ “thần tượng”
trong giới trẻ như Tóc Tiên.
Ngoài ra, còn có nhiều người Việt ở nước ngoài về Việt Nam chỉ để lao
động với những công việc bình thường, đóng góp thầm lặng nhưng đầy ý
nghĩa. Bởi sau tất cả, họ cảm thấy quê hương là chốn thanh bình, an
lành. Trở về quê hương để thấu hiểu và cảm nhận rõ hơn về sự thật bấy
lâu nay bị che giấu bởi truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí (cụ thể
là các cơ quan truyền thông bị các thế lực phản động, sinh ra chỉ nhằm
chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam), ông Etcetera Nguyễn
Quang Trường rất ấn tượng trước cuộc sống thực tế đang diễn ra trên đất
nước mình. Đó chính là điều thúc đẩy ông ở lại, mở kênh video (video
chanel) trên YouTube để làm những phóng sự về đời sống văn hóa Việt Nam.
Khác với trường hợp của Etcetera Nguyễn Quang Trường, Hảo Trần là thế
hệ người Việt thứ hai sinh ra tại Mỹ. Đến tuổi trưởng thành, “sợi dây”
gắn bó giữa anh với Việt Nam chỉ là cha mẹ và cộng đồng gốc Việt. Nhưng,
thay vì chọn một công việc ổn định tại Mỹ, từ năm 2016 Hảo Trần đã trở
về Việt Nam mở một tạp chí sinh ngữ về đời sống văn hóa Việt Nam. Trả
lời phỏng vấn của BBC tiếng Việt - một cơ quan truyền thông vốn
không mấy thiện chí với Việt Nam, Hảo Trần đã đưa tới cho họ một cú sốc
khi tuyên bố: “Hy vọng tôi không phải trở về Mỹ”. Hảo Trần cho biết, anh
đã tiếp rất nhiều người Việt ở nước ngoài đến Việt Nam và họ “thích thú
khi thấy những gì Việt Nam đang có”. Trong vòng hai năm trở lại đây, đó
là tâm trạng chung của nhiều trí thức trẻ mang dòng máu Việt. Sự băn
khoăn, lo ngại về những khó khăn khi vấp phải các rào cản về văn hóa,
môi trường sống, tài chính đã nhanh chóng được thay thế bằng sự lạc quan
trước các chuyển đổi nhanh chóng, sâu rộng theo hướng tích cực trên
nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trong
nước.
Không phải ngẫu nhiên Việt Nam lại trở thành địa chỉ hấp dẫn với
nhiều người nước ngoài, nhất là người Việt xa xứ. Điều này có được trước
hết là xuất phát từ chủ trương, chính sách rộng mở và nhất quán của
Đảng, Nhà nước Việt Nam, nổi lên là việc khẳng định Việt Nam luôn là đất
nước hòa bình, hội nhập mạnh mẽ, phát triển, là người bạn chân thành,
thủy chung, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng
quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một hành lang
pháp lý thân thiện, thông thoáng, tạo điều kiện cho người nước ngoài
cũng như người Việt ở nước ngoài có cơ hội làm ăn, sinh sống lâu dài
trên lãnh thổ Việt Nam. Nỗ lực đó đã được chứng minh trên thực tế, và
qua kết luận tích cực từ các tổ chức quốc tế, qua các chỉ số ấn tượng,
liên tục đều đặn gia tăng.
Từ một quốc gia có thu nhập thấp, ngày nay
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế
giới. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Chưa kể, các yếu tố như kiều
hối, vốn đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài và nguồn lao động chất lượng
cao từ các quốc gia trên thế giới… còn có thể được coi như những “tài
nguyên mới”, góp phần quan trọng trong việc duy trì nhịp độ phát triển
của đất nước.
Các yếu tố này cũng là thước đo, minh chứng cho xu hướng
hợp tác và phát triển trong hòa bình, ổn định của Việt Nam, nhất là
trong bối cảnh các xung đột, bất ổn chính trị đang diễn ra tại nhiều
quốc gia. Thực tế này còn là sự phản biện đanh thép, xác đáng đối với
luận điệu chống phá của các thế lực thù địch và thiếu thiện chí./.