Trước thềm Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat)
vào ngày 3 - 4/2 tại Jakarta, Indonesia, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng,
Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta.
Đại sứ nhận định việc Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và
phát biểu tại các phiên họp sắp tới sẽ góp phần tăng cường đoàn kết,
đồng thuận trong ASEAN, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.
Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, tuy là cuộc họp thường niên, nhưng mỗi
AMM Retreat đều có sứ mệnh riêng. Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối
cảnh khá đặc biệt, khi ASEAN đang ở trong giai đoạn khó khăn. Các nước
thành viên ASEAN đều vừa chật vật vượt qua đại dịch COVID-19, đang trong
giai đoạn mở cửa, phục hồi trở lại, còn rất nhiều vấn đề kinh tế, xã
hội phải giải quyết.
Vào đúng thời điểm COVID-19 lắng xuống, cơ hội phục hồi hé lộ, môi
trường quốc tế và khu vực lại có những diễn biến địa chính trị và kinh
tế hết sức phức tạp và không thuận lợi như xung đột, khủng hoảng năng
lượng, lạm phát, biến động tỷ giá… gây ảnh hưởng không nhỏ đến kỳ vọng
phục hồi của ASEAN. Trong nội bộ khối, cuộc khủng hoảng ở Myannar vừa bước sang năm thứ ba và vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc
thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Đây sẽ tiếp tục là vấn đề khó khăn cho các
nước ASEAN.
Trên thế giới, cuộc xung đột tại Ukraine đã gần bước sang năm thứ
hai, gây nhiều hệ lụy làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng và vận chuyển
hàng hóa đến và đi từ các nước thành viên ASEAN.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cho rằng trong bối cảnh đó, cuộc họp lần này
được trông đợi là cơ hội để các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trao đổi,
thống nhất về hướng đi của khối, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm
ứng phó những khó khăn, thách thức trên, củng cố đoàn kết nội khối, tăng
cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện
thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả Hiệp hội nói chung và của
từng thành viên nói riêng. Đây cũng là lý do mà từ đó chủ nhà Indonesia
lựa chọn chủ đề của năm 2023 là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng
trưởng”.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cho biết trong khuôn khổ AMM Retreat lần này,
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN khác cũng
sẽ chào xã giao Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước thềm Hội nghị,
và có nhiều cuộc tiếp xúc song phương bên lề.
Nhắc lại sự tham tham gia của Việt Nam vào các công việc chung của
ASEAN, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nhấn mạnh từ khi gia nhập Hiệp hội, Việt
Nam luôn thể hiện vai trò một thành viên chủ động, tích cực, có trách
nhiệm, sẵn sàng dẫn dắt, đóng góp xây dựng luật chơi của ASEAN. Đặc
biệt, kể từ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 đến nay, đóng góp của Việt Nam
cũng như kỳ vọng từ các thành viên khác vào Việt Nam càng tăng lên.
Trong bối cảnh đó, sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị lần này là hết
sức quan trọng, với tinh thần góp phần tìm tiếng nói chung của ASEAN
trong những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời ghi nhận
và tôn trọng những khác biệt có thể có về quan điểm và lợi ích quốc gia
giữa các thành viên.
Cụ thể, về xây dựng Cộng đồng ASEAN,
Việt Nam sẽ đóng góp, ủng hộ các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực thể
chế và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong ASEAN, rà soát quá trình
thực hiện Hiến chương ASEAN để điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với
thực tiễn và tình hình mới. Mục tiêu là đảm bảo nỗ lực xây dựng cộng
đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột
chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Đây chính là sáng kiến
được Việt Nam khởi xướng năm 2020 khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch
ASEAN, và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay.
Cũng trong khuôn khổ xây dựng cộng đồng, Việt Nam sẽ tham gia hoàn
tất quy chế Quan sát viên của Timor Leste trong ASEAN, và đóng góp xây
dựng lộ trình cho Timor Leste trở thành thành viên chính thức của ASEAN.
Đây là nỗ lực triển khai quyết định của Lãnh đạo ASEAN tháng 11/2022,
đồng ý về nguyên tắc về việc kết nạp Timor Leste thành thành viên thứ 11
của khối, và là một nội dung chính trong phiên họp lần này của Hội đồng
Điều phối ASEAN (ACC).
Một vấn đề quan trọng nữa mà các Ngoại trưởng sẽ thảo luận tại phiên
họp hẹp lần này là các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Đồng thuận 5
điểm vấn đề Myanmar. Tại Hội nghị Cấp cao năm ngoái, các Lãnh đạo ASEAN
đánh giá việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm chưa có nhiều tiến triển. Vì
vậy đây cũng sẽ là một ưu tiên cao của ASEAN và Việt Nam sẵn sàng tích
cực tham gia vào tiến trình này.
Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp liên bộ, ngành tổng
kết hợp tác ASEAN năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. (Ảnh: TTXVN)
Về quan hệ đối ngoại, ASEAN sẽ thảo luận về phương hướng lồng ghép và
thúc đẩy hợp tác với các đối tác trên tinh thần đảm bảo và tăng cường
vai trò trung tâm của ASEAN và của các cơ chế, sáng kiến của ASEAN, do
ASEAN dẫn dắt, trong đó có Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến
lược ở khu vực, nhất là giữa các cường quốc, ngày càng gay gắt. Cũng
trên tinh thần đó, Hội nghị sẽ thảo luận phương hướng tiếp tục thúc đẩy
các nước lớn xem xét sớm tham gia Hiệp ước về một khu vực Đông Nam Á
không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ).
Các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên hiện nay cũng sẽ là mối
quan tâm rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN. Nhiệm vụ của đoàn Việt
Nam là phải đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến nhằm xây dựng lập trường
chung, bảo đảm đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Chỉ có như vậy mới duy
trì được vai trò trung tâm, hình ảnh của ASEAN trên các diễn đàn quốc
tế.
Cũng nhân dịp này, ASEAN sẽ thảo luận kế hoạch kỷ niệm 50 năm quan hệ
hợp tác ASEAN-Nhật Bản và ASEAN-Australia, cũng như về triển vọng thúc
đẩy quan hệ với một số đối tác mới như Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Dự báo về sự phát triển của ASEAN trong năm nay, dưới cương vị Chủ
tịch ASEAN của nước chủ nhà Indonesia, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cho hay,
với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng," Chủ tịch ASEAN
2023 đề ra hai ưu tiên lớn, một là duy trì vị thế của ASEAN và củng cố
vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và trên thế giới; hai là thúc đẩy
toàn diện nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế của ASEAN, biến ASEAN
thành một động lực chủ chốt, lan tỏa hiệu ứng tích cực của tăng trưởng ở
trong và ra ngoài khu vực, trở thành một điểm sáng của kinh tế thế
giới. Đây là hai mục tiêu mà Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng đóng
góp tích cực trong năm 2023.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cho biết thêm rằng năm 2023 và kế đến năm 2024
cũng sẽ là thời gian ASEAN cần tập trung nỗ lực để xây dựng Tầm nhìn
ASEAN sau 2025, sẵn sàng định hướng cho giai đoạn phát triển mới của
Hiệp hội sau gần hai thập niên kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời.
Dưới sự điều phối của Indonesia và với sự tham gia, đóng góp tích cực
của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng
bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN sẽ đạt được những mục tiêu đề ra cho năm
2023, đó là tăng cường đoàn kết nội khối và đẩy nhanh tiến độ xây dựng
cộng đồng, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, mở rộng và
nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện hơn, chiến lược hơn với tất cả các
đối tác./.
TTXVN