Việt Nam và một số nước châu Á khác có diện tích rừng tăng đáng kể do đã có nhiều nỗ lực trong việc trồng mới.
Đó là nhận xét nêu trong bản phúc trình của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) công bố vào thời điểm khởi đầu Năm Quốc tế bảo vệ rừng 2011.
FAO cho biết, tốc độ rừng biến mất trên toàn thế giới đã chậm lại, phần lớn là nhờ việc thay đổi từ nạn chặt phá sang việc trồng mới rừng ở châu Á.
Châu Á hiện là khu vực có tỷ lệ trồng lại rừng cao nhất nhờ các nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ có diện tích rừng cây tăng đáng kể. Rừng cũng tăng lên tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng đang bị thu hẹp lại ở châu Phi và Mỹ Latinh, do nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và gỗ củi.
Trong giai đoạn từ 2000-2010, mỗi năm có 52.000n km2 rừng biến mất và đây đã là một bước tiến bộ đáng ghi nhận so với mức 83.000 km2 rừng bị chặt phá trong thập niên trước đó.
Theo Trợ lý Tổng Giám đốc Bộ phận lâm nghiệp của FAO Eduardo Rojas-Briales, Việt Nam, một nước nhỏ, dân số đông nhưng đã áp dụng việc cải cách rừng rất thông minh và toàn diện. Philippines cũng có chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng tăng đáng kể nhưng diện tích rừng già vẫn tiếp tục biến mất ở một số nơi khác trên thế giới.
Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đã nêu 10 địa điểm trên thế giới, nơi tầm quan trọng của rừng đang bị đe dọa. Trong đó, có các triền sông Cửu Long và đời sống hoang dã ở đây, các khu rừng ở Madagascar và California. Diện tích những nơi này hiện chỉ còn 10% so với ban đầu./.
(Theo: chinhphu.vn)