Đây là cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức nhằm hiện thực hóa sáng
kiến thành lập cơ chế đối thoại kinh tế cấp cao Việt Nam-Hàn Quốc của
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3/2018.
Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế
tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong từng
lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Về cơ bản, các cơ
chế, khuôn khổ hợp tác song phương đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả,
linh hoạt.
Tuy nhiên, để tương xứng với quan hệ hợp tác sâu rộng ngày càng phát
triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời giảm sự trùng lặp, tăng cường
mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ chế, khuôn khổ hợp tác chuyên ngành
trong quan hệ tổng thể chung giữa hai nước, các quan hệ kinh tế song
phương Việt Nam-Hàn Quốc cần được chủ trì, điều phối bởi lãnh đạo cấp Chính phủ của hai nước.
Do đó, sáng kiến của Tổng thống Moon Jae-in về Đối thoại cấp Phó Thủ
tướng về kinh tế nhằm mục đích tạo ra cơ chế trao đổi cấp cao tương xứng
với quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng hiện nay và thời gian tới giữa
Việt Nam và Hàn Quốc về những vấn đề quan trọng, giúp mở rộng, tăng
cường hợp tác song phương vì lợi ích của cả hai phía trong các lĩnh vực
kinh tế và khắc phục vướng mắc, hỗ trợ các cơ chế, khuôn khổ hợp tác
kinh tế song phương khác.
Đối với phía Hàn Quốc, sáng kiến này nằm trong tổng thể chính sách Hướng Nam mới, trong đó Việt Nam được đặt là trọng tâm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Các kết quả, thỏa thuận tại
đối thoại ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng quan hệ
hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn tới".
Tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vương Đình Huệ
cho biết, sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt
Nam-Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đem lại
lợi ích và hiểu biết, tin cậy sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía, đánh dấu
bằng Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Hàn Quốc hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam về đầu tư trực tiếp
nước ngoài, tổng kim ngạch thương mại hằng năm đạt khoảng 66 tỷ USD.
Mỗi năm, Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam và cung cấp 300-400 triệu USD/năm ODA vốn vay.
Hiện có 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt
Nam và gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Bối cảnh quốc tế hiện nay
đòi hỏi phải sáng suốt, tỉnh táo để có những bước đi, quyết định chính
xác, giúp hai nền kinh tế theo kịp diễn biến chung. Các kết quả, thoả
thuận tại đối thoại ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn trong việc định
hướng quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn tới, làm cơ sở
để hai bên cùng phối hợp, triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác kinh
tế".
Phó Thủ tướng Hong Nam Ki nêu rõ quan điểm: "Chúng ta
phải làm cho sự hợp tác của hai nước không phải là sự lấp lánh nhất thời
rồi vụt tắt, cần phải có con đường mới là con đường về hợp tác phát
triển kinh tế để tiếp tục phát triển mối quan hệ giữa hai nước".
Sau các phiên thảo luận kéo dài 1 tiếng rưỡi, hai bên đã đề xuất,
trao đổi và đạt được thỏa thuận về nhiều sáng kiến và nội dung hợp tác
trong 5 lĩnh vực thương mại và đầu tư; tài chính-ngân hàng và hợp tác
phát triển; hạ tầng, xây dựng và năng lượng; công nghiệp, nông nghiệp,
khoa học-công nghệ và công nghệ thông tin-truyền thông; y tế và lao
động. Các thỏa thuận, đối thoại đã đạt được 5 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai
nước, trong đó có các giải pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Hàn
Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang hai
nước trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc.
Thứ hai, thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó
khăn mà doanh nghiệp hai nước gặp phải khi đầu tư sang mỗi nước.
Hai bên đã nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những
lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như công nghiệp linh kiện-phụ tùng, thời
trang-dệt may, điện tử, ôtô, chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu mới,
cơ khí chính xác, công nghệ cao, ICT, năng lượng mới, hạ tầng, đô thị
thông minh...
Thứ ba, hai bên thống nhất tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy và
tăng cường hiệu quả các khoản hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ
Hàn Quốc dành cho Chính phủ Việt Nam.
Thứ tư, nhiều thỏa thuận quan trọng đã đạt được nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng.
Thứ năm, nhiều sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác
trong hợp tác kinh tế giữa hai nước như nông nghiệp, ngân hàng, cơ sở hạ
tầng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông... đã
được thảo luận, thống nhất.
Một số vấn đề trong hợp tác lao động đã được thống nhất phối hợp nhằm
xác định các giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực
của cả hai bên để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của hai
quốc gia.
Quang cảnh cuộc đối thoại. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết những kết quả của cuộc đối
thoại sẽ được phía Việt Nam báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ
và các cấp có thẩm quyền của Việt Nam để chỉ đạo và các cơ quan của Việt
Nam lập kế hoạch hành động, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Hàn
Quốc triển khai.
Kết quả của đối thoại cũng được Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yon khẳng
định quan tâm chỉ đạo để triển khai tốt các thỏa thuận đạt được.
Tại Đối thoại, hai Phó Thủ tướng cũng ký kết biên bản Cuộc họp lần thứ nhất Đối thoaị kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam-Hàn Quốc, chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ
về hợp tác và trao đổi thông tin giám sát ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam với Ủy ban Dịch vụ tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính
Hàn Quốc và Thỏa thuận khung (F/A) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Cuộc đối thoại lần thứ hai về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng sẽ
diễn ra tại Việt Nam để hai bên rà soát tiến độ, kết quả triển khai các
thoả thuận tại đối thoại lần thứ nhất, đồng thời đề xuất các sáng kiến,
thoả thuận hợp tác mới./.
(TTXVN)