Chính phủ hai nước đã thống nhất quan điểm sự hợp tác sâu rộng trong
việc giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại là tiền đề để hai
quốc gia phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai.
Ngày 4/12, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên họp thường niên lần
thứ 8 của Ủy ban Tư vấn Hỗn hợp Hoa Kỳ-Việt Nam (JAC) về chất da
cam/dioxin.
Đây là cơ hội để các chuyên gia khoa học của Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi
quan điểm và mở rộng nội dung đối thoại về các vấn đề liên quan tới
chất da cam/dioxin.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngài David B. Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại
Việt Nam, khẳng định sự kiện này cho thấy mức độ hợp tác và niềm tin
đang hiện hữu giữa hai nước.
Chính phủ hai nước đã thống nhất quan điểm sự hợp tác sâu rộng trong
việc giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại là tiền đề để hai
quốc gia phát triển mối quan hệ hướng tới tương lai.
Ông Lê Kế Sơn, Giám đốc dự án quốc gia về xử lý ô nhiễm dioxin tại Việt
Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định, trong lĩnh vực
nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, Việt Nam-Hoa Kỳ
ghi nhận nhiều thay đổi lớn. Từ chỗ hai bên chỉ phối hợp thực hiện một
số hoạt động nghiên cứu, khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin
đối với môi trường, hai bên đã chia sẻ thông tin về tác hại đối với con
người và triển khai dự án, hỗ trợ người khuyết tật tại Đà Nẵng mà không
phân biệt do nguyên nhân gì.
Song song với những hoạt động đó, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức
quốc tế, Việt Nam đã xử lý cơ bản ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát,
đánh giá toàn diện ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa, xây dựng kế hoạch tổng
thể xử lý dioxin sân bay Biên Hòa...
Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã trình bày
tiến độ Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất da cam/dioxin tại Sân bay
Đà Nẵng.
Được khởi động tháng 8/2012, đến nay dự án đã chất 45.000m3 đất bị nhiễm
dioxin vào khu vực chứa mới được xây dựng. Lượng đất này sẽ được nung
nóng lên tới 335 độ C trong những tháng tới nhằm phá hủy các hợp chất
của dioxin.
Dự án đang được triển khai đúng tiến độ nhằm xử lý hoàn toàn nhiễm
dioxin trong khu vực vào cuối năm 2016 và nhờ đó giảm rủi ro tiếp xúc
với dioxin cho người dân sống xung quanh. Tại phiên họp, Bộ Quốc phòng
đã trình bày Kế hoạch tổng thể giảm ô nhiễm ở Sân bay quân sự Biên Hòa.
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm
trong lĩnh vực về xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ở Việt Nam;
đánh giá về hệ thống sàng lọc sơ sinh, kiểm soát ung thư và dị tật bẩm
sinh tại Đà Nẵng; chính sách y tế của Việt Nam liên quan đến chất da
cam/dioxin; nghiên cứu về những ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đối với
sự phát triển của trẻ./.
Văn Sơn (TTXVN)