Tình hình nhân đạo ngày một xấu đi do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế cùng tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ngày một rõ rệt tại Syria.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/7 đã tiến hành phiên họp nghe báo cáo và trao đổi về tình hình nhân đạo Syria bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo đảm an ninh lương thực và tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch cho Syria.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, báo cáo trước Hội đồng Bảo an, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cho biết hiện nay Syria có khoảng 700 ca mắc. Dù con số chưa cao nhưng hiện các ca nhiễm đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành và con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm của Syria còn rất hạn chế chỉ xét nghiệm được khoảng 350 ca mỗi ngày. Các biện pháp "đóng cửa" nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đang khiến khủng hoảng kinh tế ở Syria trầm trọng thêm. Nền kinh tế dự kiến sẽ sụt giảm khoảng 7% trong năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp hiện là 50%.
Đáng chú ý, giá lương thực hiện tăng 240% so với cùng kỳ năm trước, làm hơn một nửa dân số rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, 86% hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu cho lương thực, 29% trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng. Phó Tổng Thư ký khẳng định nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đang rất lớn, Liên hợp quốc đang tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ cho Syria, trong đó có việc tăng cường khả năng ứng phó COVID-19.
Trong trao đổi, các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo ngày một xấu đi do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế cùng tác động của COVID-19 ngày một rõ rệt tại Syria.
Các nước khẳng định cần bảo đảm tình hình an ninh ổn định để duy trì các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt là tại khu vực Tây Bắc nước này nơi các nhóm khủng bố, cực đoan đang hoạt động.
Chia sẻ quan điểm với các nước thành viên Hội đồng Bảo an, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tiếp cận nhân đạo tại tất cả các vùng miền của Syria thông qua duy trì ổn định an ninh, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Bắc và hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn quốc của Tổng Thư ký.
Đại sứ hoan nghênh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với người dân Syria và kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Chính phủ Syria và các cơ quan Liên hợp quốc trong vấn đề này. Đại sứ nhấn mạnh hai nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là bảo đảm an ninh lương thực và tăng cường khả năng ứng phó COVID-19 cho Syria.
Định kỳ hàng tháng, Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hoá học.
Bất ổn và xung đột tại Syria nổ ra từ năm 2011, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử.
Hiện, có hơn 11 triệu người dân Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo.
Hôm 11/7, Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 2533 gia hạn Cơ chế viện trợ nhân đạo xuyên biên giới trong vòng 12 tháng qua cửa khẩu Bab al-Hawa dẫn tới tỉnh Idlib, nơi có khoảng 3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, phần lớn là người mất nơi cư trú./.
Theo TTXVN