Việt Nam đã kêu gọi các bên liên quan tôn trọng các thoả thuận đã đạt được và bảy tỏ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hoà bình của Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 14/10 đã thảo luận về tình hình Tây Sahara thời gian gần đây. Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về Châu Phi Bintou Keita và Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara, Trưởng Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO) Colin Stewart đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong phiên họp, Việt Nam đã kêu gọi các bên liên quan tôn trọng các thoả thuận đã đạt được và bảy tỏ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hoà bình của Phái bộ MINURSO.
Các báo cáo viên đánh giá tình hình Tây Sahara thời gian qua tương đối ổn định, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn và Thoả thuận quân sự số 1 giữa các bên. Trưởng Phái bộ MINURSO cũng thông tin về việc Phái bộ hiện đang đối mặt với nhiều mối đe doạ khi triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là buôn lậu ma tuý, tội phạm và các bãi mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Các thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ với những thông tin và đánh giá của Trợ lý Tổng Thư ký và Đặc phái viên; kêu gọi các bên hợp tác với Đặc Phái viên nhằm sớm nối lại đối thoại hoà bình; ủng hộ các biện pháp hoà bình lâu dài có thể chấp nhận được đối với các bên, trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ với các khó khăn mà người dân Tây Sahara đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cho rằng, trong bối cảnh này, cần ưu tiên đảm bảo việc thực hiện các hoạt động nhân đạo không bị cản trở. Đại sứ nhấn mạnh các bên liên quan cần đối thoại hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tìm ra các giải pháp công bằng và thoả đáng, vì lợi ích của người dân Tây Sahara.
Tây Sahara thuộc khu vực Bắc Phi, có dân số 550.000 người và diện tích 226.000 km2. Hiện Maroc kiểm soát 80% lãnh thổ Tây Sahara và nước Cộng hoà Arab Sahrawi Dân chủ (RASD) do Mặt trận Polisario thành lập kiểm soát 20%. Người Maroc định cư chiếm 2/3 dân số trong khi người bản địa Sahrawi chỉ chiếm 1/3 dân số vùng lãnh thổ này.
Vấn đề Tây Sahara được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên vào năm 1975 với Nghị quyết 377 yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham vấn với các bên liên quan về tình hình Tây Sahara. Năm 1991, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 690 về kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân Tây Sahara tự quyết định độc lập hay sáp nhập vào lãnh thổ Maroc. Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO) được thành lập năm 1991./.
Theo TTXVN